- Tóm tắt về những đóng góp
Các bản văn Tin Mừng là những tài liệu được viết trong bối cảnh của các cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên; Chúng phản ánh cuộc sống liên quan đến việc cử hành Thánh Thể. Thông thường, các công thức phụng vụ được sử dụng để giải thích cuộc sống dưới ánh sáng của Thánh Thể. Đồng thời, quá trình này cũng cung cấp cho chúng ta một tầm nhìn rộng hơn về Bí Tích Thánh Thể.
Đây là điểm chính mà Cha Laverdiere đang nghiên cứu. Để hỗ trợ cho đề tài của mình, trong những nghiên cứu gần đây Cha đã triển khai phần đầu tiên về những đóng góp của mình trong việc giải thích và trình bày tất cả các giai đoạn của sự phát triển Bí Tích Thánh Thể; tiến trình nghiên cứu này bắt đầu bằng phương pháp phê bình lịch sử và tới phương pháp phê bình văn chương. Đặc biệt là phương pháp phê bình văn chương rất khác với cách tiếp cận lịch sử, phương pháp này đòi hỏi phải đọc Phúc Âm đồng thời sử dụng các tài liệu tham khảo để có thể nhìn thấy sự hiểu biết trọn vẹn và đầy đủ hơn về Bí tích Thánh Thể. Điều này có vai trò quan trọng đối với việc nghiên cứu thần học Thánh Thể.
Trước tiên, liên quan đến Bí Tích Thánh Thể, thật ra là các công thức đến từ việc cử hành phụng vụ. Những công thức này cho chúng ta hiểu biết đầu tiên về Bí Tích Thánh Thể. Ví dụ chúng ta tìm thấy công thức “cầm lấy, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho” giải thích về phép lạ hoá bánh ra nhiều, bữa ăn bên bờ biển hồ, và trong bữa ăn mà Phao-lô đã cử hành sau nạn chìm tàu cá. Điều này không có nghĩa là nó có trong những bản văn cử hành Thánh Thể, thay vào đó là một biến cố mà công thức phụng vụ được sử dụng để kết nối các biến cố với Bí Tích Thánh Thể và giải thích biến cố này dưới ánh sáng của Thánh Thể. Mặt khác, kết nối này cũng bổ sung sự hiểu biết của chúng ta về Bí Tích Thánh Thể.
Thêm vào đó, chúng ta xem xét tới bối cảnh: bối cảnh mà chúng ta bắt gặp công thức này trong phụng vụ Thánh Thể, và bối cảnh rộng hơn, cuối cùng là Tin Mừng nói chung. Bối cảnh đó cung cấp cho chúng ta những yếu tố khác cho thần học của Bí Tích Thánh Thể. Vì thế, thánh sử Maccô trình bày Bữa tiệc cuối cùng là bữa ăn của Chúa bằng cách sử dụng các công thức phụng vụ để biến một biến cố u sầu thành biến cố của vui mừng. Thánh Thể được cử hành thực hiện như một chìa khoá để đọc cuộc đời của Chúa Giê-su, của cộng đoàn Ki-tô hữu và thực tế bắt nguồn từ cuộc sống đó.
Trong phần thứ ba của phần diễn thuyết, Cha Laverdiere tập trung nhiều hơn vào bối cảnh rộng lớn của Tin Mừng nhằm làm nổi bật cộng đoàn Ki-tô hữu với những thách đố cụ thể dưới ánh sáng của Thánh Thể. Các yếu tố thú vị để làm nổi bật tầm nhìn về Bí Tích Thánh Thể. Chẳng hạn, Thánh Gioan trình bày cho chúng ta biết Chúa Giê-su là bánh hằng sống được Chúa Cha ân ban cho chúng ta. Chúa Giê-su chính là hiến lễ khi chúng ta cử hành thánh lễ rồi dâng lên Chúa Cha và với cách thức đó Thánh Thể được đặt trong một ngữ cảnh rộng lớn hơn.
Việc thêm vào công thức bữa tiệc ly cuối cùng trong Tin Mừng của Thánh Mat-thêu về cụm từ “xin tha thứ tội lỗi” biểu trưng cho một nét tiêu biểu của Phúc Âm này để trình bày cho chúng ta sự hiểu biết của Thánh sử Mat-thêu về Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta nhận thấy ý niệm “tha thứ, tha thứ” trong bài giáo lý về “Kinh lạy cha (Mt 6,5-15) và bài giảng về Giáo hội (Mt 18,1-35). Theo những trình tự này và khởi đầu từ Bí Tích Thánh Thể cho đến khi tha thứ tội lỗi, thậm chí chúng ta có thể kết luận ngược lại: “việc tha thứ tội lỗi bắt đầu từ Thánh Thể”.
Thánh Mac-cô theo một lối tiếp cận hoàn toàn khác. Tác giả đưa ra việc uống chén cứu độ có mối liên hệ với câu hỏi của Chúa Giê-su, “Anh em có thể uống chén mà Thầy phải uống không?” Con đường tâm linh là theo Chúa Giê-su cách triệt để, cho đến cùng. Một khi điều này được hiểu, người ta hiểu được tại sao tác giả nhấn mạnh sự phản bội của Giu-đa và sự chối bỏ của Phê-rô.
Cuối cùng, đối với Thánh Lu-ca bữa ăn tối cuối cùng được đặt trong bối cảnh của 10 bữa ăn tạo nên cấu trúc cơ bản của Tin mừng. Tất cả những bữa ăn này đều định hình Nước Trời. Chúng đưa ra chiều hướng cánh chung cho bữa ăn tối của Chúa. Do đó, khi đến lượt chúng ta, chúng ta có thể thấy Bí Tích Thánh Thể theo quan điểm Chúa sắp đến và mong đợi về sự viên mãn của bí tích này.
Tóm lại, chúng ta có thể thấy các phương pháp chú giải mới giúp chúng ta nhận ra cách mà Thánh Thể và toàn bộ Tin mừng có liên hệ mật thiết với nhau. Kết quả là một tầm nhìn phong phú về Thánh Thể.
- Phương diện đóng góp
- Nhạy cảm với sự khác biệt giữa phê bình lịch sử và phê bình luận văn của Tân Ước, đặc biệt là nơi nền tảng Tân Ước có liên quan đến Thánh Thể.
- Nhận thấy cách phân tích văn chương bắt đầu từ Tin mừng được coi như một tổng thể, như một đơn vị văn học, góp phần rất lớn vào việc nắm bắt Thánh Thể. Toàn bộ Tin Mừng, và không chỉ những nơi mà Thánh Thể được đề cập cụ thể, nói với chúng ta về Bí Tích Thánh Thể (theo định hướng cụ thể của mỗi nhà truyền giáo).
- Nhằm hướng dẫn chính chúng ta quan tâm đọc Phúc Âm hơn và dẫn chúng ta khám phá ra các yếu tố khác đã làm sáng tỏ Thánh Thể. Kết quả sẽ là một tầm nhìn phong phú hơn về Bí Tích Thánh Thể.
- Một số câu hỏi dành cho chúng ta
- Nếu các bản văn Thánh thể trong Thánh Kinh luôn luôn là hình ảnh cuộc sống của cộng đoàn Ki-tô hữu mà bản văn này đã được viết ra cho họ, làm thế nào chúng ta có thể sử dụng bản văn của Kinh nguyện Thánh thể như là chìa khoá để đọc đời sống cá nhân và đời sống cộng đoàn hàng ngày của chúng ta?
- Chúng ta có được tất cả sự phong phú của các Kinh nguyện Thánh Thể đã được phê chuẩn với nhiều nội dung khác nhau. Làm thế nào chúng ta có thể rút ra những tài sản phong phú này cho phụng vụ để giúp anh chị em của chúng ta hiểu cuộc sống của họ và các hoàn cảnh khác nhau dưới ánh sáng của Thánh Thể?
- Tin Mừng cũng muốn cho chúng ta biết điều gì đó về Bí Tích Thánh Thể. Làm thế nào chúng ta có thể hưởng lợi từ việc đọc Tin mừng hàng ngày để hiểu sâu sắc hơn về tình yêu của chúng ta đối với Bí Tích Thánh Thể?
- Tân Ước đề cập cho chúng ta về Bí Tích Thánh Thể. Làm thế nào chúng ta có thể tham gia vào một bài đọc để khám phá sự phong phú này? Làm thế nào chúng ta có thể cảm nhận được mình nhiều hơn với ‘màu sắc Thánh Thể’ của Tin Mừng?
Eugene Laverdiere, SSS
Chuyển dịch: Giuse Vũ Quang Đoàn, SSS