BÍ TÍCH THÁNH THỂ: THĂNG TIẾN MỐI TƯƠNG GIAO VỚI THIÊN CHÚA VÀ VỚI NHAU

Thời đại toàn cầu hóa hiện nay, các nước trên thế giới không còn đẩy mạnh chiến tranh nhưng thay vào đó là xu hướng đối thoại thay cho đối đầu. Đa phần các quốc gia đều sẵn sàng đối thoại để giải quyết các vấn đề đang tranh chấp hầu có thể đưa đến các giải pháp tối ưu cho cả hai bên. Với xu hướng đó, con người cần phải được mở ra hầu có thể đáp ứng được với thực trạng xã hội. Con người cần được phát triển đầy đủ ba chiều kích: con người nội tâm, con người với những tương quan xã hội và sau cùng là con người hướng tới nguồn mạch sự sống. Nếu một trong ba chiều kích bị tắc nghẽn thì rất có thể ta sẽ mất quân bình, con người dễ trở nên buông thả hoặc bị dồn nén. Các triết gia hiện sinh đã suy tư nhằm phát triển các tương quan nhân vị; những nhà giáo dục cố công giúp thăng tiến đời sống nhân bản cho nhân loại; những chính khách hay các nhà ngoại giao nỗ lực không mệt mỏi vì nền hòa bình cho thế giới…Thế nhưng những cá nhân hay tập thể ấy vẫn rơi vào bế tắc. Niềm tin của các Kitô hữu xác tín rằng chỉ khi nào con người mở ra với Đấng Siêu Việt – Đấng là nguồn mạch sự sống mà cụ thể ở đây là chính Chúa Giêsu ngự thật trong Bí tích Thánh Thể thì con người mới hy vọng cải thiện và làm triển nở mối tương giao thân tình với Thiên Chúa và với nhau.

Có thể nói rằng để có được một cuộc đối thoại thành công thì thiết tưởng chúng ta phải khởi đi từ sự lắng nghe. Nhưng phải làm sao để có thể đi vào tương giao mật thiết với Đấng Siêu Việt? Chìa khóa cho cuộc gặp gỡ “linh thánh” ấy chính là tâm tình khát khao gặp gỡ Thiên Chúa trong sự cô tịch từ thẳm sâu của cõi lòng mỗi người.

  1. LẮNG NGHE – KHAI MỞ MỘT MỐI TƯƠNG QUAN

Theo Gaudium et Spes thì phẩm giá con người rất cao cả vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa.[1] Những kẻ tin cũng như những kẻ không tin dường như đồng quan điểm là mọi vật trên địa cầu phải được hướng về con người như là trung tâm và tột điểm của chúng. Thực vậy, Thánh Kinh dạy rằng con người đã được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa” có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng Tạo Dựng mình, được Ngài đặt làm chủ mọi tạo vật trên trái đất để cai trị và sử dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc: bởi vì từ khởi thuỷ “Ngài đã tạo dựng có nam và có nữ”[2]. Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những người khác con người sẽ không sống và phát triển tài năng mình.[3]

Mang trong mình xã hội tính – liên chủ vị, con người luôn muốn yêu và được yêu; ngoài ra vì con người luôn cần đến tha nhân nên nhu cầu được người khác tôn trọng, được lắng nghe luôn là khao khát chính đáng và cấp thiết. Thực tế cho thấy, càng yêu thích một người, chúng ta càng dễ dàng lắng nghe họ trao đổi, chia sẻ, giãi bày. Tuy vậy, đôi lúc chúng ta rơi vào tình trạng “Nghe mà không phải là Lắng nghe”, “Nghe mà như không nghe” hay nghe mà không lắng đọng, nghe mà không hiểu”, “Nghe tai này lọt tai kia”… Phải chăng là mâu thuẫn? Hẳn thực, ngày ngày chúng ta đang bị bủa vây bởi vô số những tạp âm, những “âm thanh nhiễu độc”. Chúng “cưỡng bức” chúng ta nghe. Trước thực trạng ấy, thiết tưởng ta nên tìm cách “lắng nghe có chọn lọc”. Để có thể lắng nghe người anh-chị-em mình cách chân thành thì thái độ và tác phong của chúng ta là im lặng ngồi xuống, trân trọng họ.[4]

Là một người sống trong xã hội, bất cứ ai cũng có thể gặp gỡ một người nào, một ai đó. Sự giao tiếp hằng ngày là điều kiện tiên quyết để có sự gặp gỡ thân tình. Nếu chúng ta sống mà không có sự gặp gỡ, có thể nói, người ấy không có tha nhân, và họ đã đánh mất chính mình. Vì thật sự tha nhân vẫn có đó. Trong những trang đầu của nhật ký siêu hình, triết gia Gabriel Marcel đã để lại cho chúng ta ý nghĩa về sự gặp gỡ. Gặp gỡ là sự cảm thông giữa hai nhân vị và là một cảm thông hai chiều. Marcel nhận định: “thường người ta nói chuyện và nghĩ mình đối thoại với tha nhân, trong khi thực sự người ta vẫn độc thoại.”[5] Quả thật thái độ lắng nghe thực sự là bước khởi đầu cho bất kì cuộc gặp gỡ nào; nó là tiền đề mở ra cho bước đường đi sâu vào sự thông giao mật thiết, huyền nhiệm nơi những con người ta gặp trên đường đời; thậm chí nó là nhân tố không thể thiếu được trên bước đường gặp gỡ Đấng Siêu Việt – Thiên Chúa Tình Yêu.

Bí Tích Tình Yêu vốn nhiệm mầu, sâu thẳm, các kitô hữu được mời gọi hãy chìm đắm trong sự chiêm ngắm, tạ ơn và tôn thờ sau khi đã lãnh nhận Lương Thực Thần Linh. Việc thờ lạy Chúa Giêsu nơi Nhiệm tích Tình Yêu ngoài thánh lễ – đó là việc kéo dài tâm tình thờ lạy, ngợi khen đã khởi sự trong thánh lễ; tựa như kéo dài cuộc hàn huyên với người yêu đang hiện diện trong bí tích này. Khi ấy bề ngoài xem như chúng ta đã cắt đứt mối tương giao nhưng thực chất đó lại là một cuộc trò chuyện đầy thân mật; sâu lắng đến độ thấu hiểu con tim của nhau.

  1. THẤU HIỂU – TRIỂN NỞ MỐI TƯƠNG QUAN

Lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa đem lại cho đời sống thiêng liêng nhiều hoa trái. Đó là lý do giải thích tại sao chúng ta phải suy gẫm Lời Chúa. Tín hữu đọc Kinh Thánh để tìm sự nâng đỡ cho đời sống tâm linh của họ vì họ tin vào sức mạnh biến đổi của Lời ấy. Nhưng có một sự khác nhau giữa đọc Kinh Thánh để biết, và đọc Kinh Thánh để biến đổi. Lời Chúa là nơi chúng ta tiếp xúc với mặc khải của Thiên Chúa – bản văn tự nó có tính mặc khải – nó vừa có khả năng vừa có sức mạnh để đưa chúng ta tiếp xúc với Thiên Chúa. Ví dụ cụ thể như thế này: Bản giao hưởng số 5 của Beethoven là một bản nhạc cổ điển. Tác phẩm âm nhạc này sẽ chỉ là “những dòng nhạc và con chữ vô hồn” bao lâu nó còn nằm trên bàn làm việc của nhạc sĩ. Bản nhạc nổi tiếng này không có gì đặc sắc nếu trình diễn cho những người không thích hay không có khả năng thưởng thức nghệ thuật. Bản giao hưởng ấy chỉ có thể trở thành âm nhạc khi nó được hòa tấu và được lắng nghe. Cũng thế, đối với Kinh Thánh; tự bản văn Tin Mừng của Gioan thì không phải là Tin mừng; bản văn ấy trở thành Tin mừng của Đức Giêsu Kitô khi được công bố và lắng nghe. Một khi thế giới của Tin mừng nên một với thế giới của người đọc thì đó quả thực là một “cuộc hoán cải”. Chính trong ý nghĩa này mà Lời Chúa thành Lời cứu độ và biến đổi trong cộng đoàn Kitô hữu.

Nếu chúng ta tin rằng sự hiện diện của Thiên Chúa luôn luôn là hiện diện để cứu độ, thì khi hội họp trước Thánh Thể để nghe và suy gẫm Lời Chúa, chúng ta biết rằng mình đang được cứu độ và biến đổi. Khi cùng nhau đến trong một cộng đoàn đức tin, khi quy tụ trước Thánh Thể để nhận Mình và Máu Đức Kitô, khi từ cộng đoàn cử hành Thánh Thể ra đi và đến với người khác với một tình yêu thương không điều kiện, đó là lúc chúng ta đang được cứu độ và biến đổi. Khi chúng ta phá bỏ những tường rào chắn và bắc những nhịp cầu nối liền mọi tương quan của chúng ta với nhau, khi chúng ta tìm kiếm chân lý trong Thiên Chúa, đó là lúc chúng ta và thế giới đang được cứu độ và biến đổi.

Tính thống nhất mật thiết giữa Lời và Thánh Thể trên nền tảng chứng từ của Kinh Thánh[6] đã được các giáo phụ chứng thực và được Công đồng Vatican II tái khẳng định. Về vấn đề này, chúng ta nghĩ đến bài diễn từ của Đức Giêsu về bánh ban sự sống trong hội đường Caphacnaum [7], ngầm chứa sự so sánh giữa Môsê và Đức Giêsu, giữa người đã trò chuyện diện đối diện với Thiên Chúa[8] và Đấng mạc khải Thiên Chúa[9]. Thật vậy, bài diễn từ về bánh hằng sống nói về thiên ân mà Môsê đã nhận lãnh cho dân mình trong hoang địa với bánh manna, đích thật là Luật (Torah), Lời Thiên Chúa ban sự sống[10]. Đức Giêsu hoàn thành nơi chính bản thân Ngài hình ảnh xưa: “Bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian…chính tôi là bánh trường sinh”[11]. Ở đây “Luật đã trở thành một con người. Khi gặp gỡ Đức Giêsu, chúng ta được nuôi sống bằng chính Thiên Chúa hằng sống, phải nói như vậy, chúng ta thật sự ăn ‘bánh từ trời xuống’”.[12]

Như thế Lời và Thánh Thể liên kết mật thiết với nhau đến độ chúng ta không thể hiểu cái này mà không có cái kia: Lời Chúa trở thành xác phàm cách bí tích trong biến cố Thánh Thể. Thánh Thể giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh, cũng như Kinh Thánh đến phiên mình soi sáng và giải thích Mầu nhiệm Thánh Thể.

  1. ĐI VÀO CHIỀU SÂU ĐỨC TIN – MẪU MỰC CỦA CÁC MỐI TƯƠNG QUAN

Thánh Phaolô đã từng nói rằng: đức tin xuất phát từ hành động nghe[13]: nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô. Đối với vị tông đồ dân ngoại, tin chính là vâng lời, khi ngài đề cập tới sứ vụ tông đồ của mình là khơi dậy (nơi người nghe) sự vâng phục của lòng tin. Sự vâng phục của lòng tin có nghĩa đơn giản: tin là nghe và vâng lời Thiên Chúa, hoặc vâng lời Đức Kitô; tin đồng nghĩa với vâng lời, đức tin có nội dung là sự vâng lời, như khi chúng ta nói: “ơn hoà bình = gratia pacis, thì nội dung của ơn đó chính là sự bình an. Khi Giáo Hội, vì vâng lời Đức Kitô, cử hành hy lễ tạ ơn để tưởng nhớ đến Người, thì Giáo Hội cũng đang vâng lời Đức Maria đã từng nói với mọi người hiện diện tại tiệc cưới Cana: “hãy làm những gì Ngài dạy bảo”[14]. Vâng lời mẹ để vâng lời con của mẹ.[15]

Đức Maria để lại cho chúng ta mẫu gương sống Thánh Thể dưới nhiều phương diện. Nếu Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin, thì Đức Maria đã sống đức tin trong suốt thời gian ở với Đức Giêsu từ khi sinh ra cho đến khi chịu chết, khi mà thiên tính của Chúa đã ẩn giấu dưới hình thù của một con người khiêm hạ. Nếu Thánh Thể là hy tế, thì Đức Maria đã hiến dâng Con mình cho Thiên Chúa cũng như hiến dâng bản thân để thực hiện chương trình của Chúa Cha. Nếu Thánh Thể là cuộc tạ ơn, thì Đức Maria là người sống tâm tình biết ơn Thiên Chúa vì đã đoái thương nhìn đến người nữ tì hèn mọn. Dù sao, điều quan trọng hơn hết là Đức Maria đã sống thân mật với Chúa Giêsu, đã để cho Chúa uốn nắn đời mình.[16]

Nếu Bí tích Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin vượt xa lý trí chúng ta thì có thể nói Đức Maria đã sử dụng đức tin Thánh Thể của mình ngay trước khi Bí tích Thánh Thể được thiết lập, bởi vì Mẹ đã hiến dâng cung lòng trinh vẹn của Mẹ để Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể. Như thế có một tương quan rất thâm sâu giữa tiếng fiat (xin vâng) của Đức Maria đáp lại lời thiên thần với tiếng Amen của người tín hữu khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa.

Được sinh ra và lớn lên trong thế giới này, không ai trong chúng ta phủ nhận những tương quan của mình với mọi người. Chúng ta sống là sống cùng, sống với tha nhân. Không ai là một hòn đảo riêng lẻ nhưng mỗi người được mời gọi hiệp nhất với nhau để cùng nhau tiến bước đi tìm nguồn mạch sự sống. Con người là một huyền nhiệm nên có sự khác nhau nhưng không vì thế mà chúng ta sống trong cô độc lẻ loi, khép kín. Do đó ta nên khám phá nơi tha nhân những huyền nhiệm để bổ khuyết cho nhau qua sự gặp gỡ, lắng nghe, thấu hiểu…Khởi đi từ cuộc sống hiện sinh ấy ta sẽ dễ dàng hơn để đi vào và làm phát sinh những hoa trái trong đời sống mật thiết với Thiên Chúa. Như thế những phút giây lặng lẽ trước Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ là phương dược kì diệu đáp cứu cho những tương quan vốn mong manh đã và đang trên bờ vực của sự gãy đổ giữa con người với Thiên Chúa và với nhau.

 Gioan Đinh Văn Bổn,SSS


[1] GAUDIUM ET SPES, số 12.
[2] St 1, 2 – 7
[3] Gioan Nguyễn Ngọc Hải, C.ss.r., Học Viện Thánh Anphongsô, CON NGƯỜI MỘT HUYỀN NHIỆM., tr. 234.
[4] Nguyễn Văn Thành., LẮNG NGHE – MỘT QUÀ TẶNG VÔ GIÁ., Monastère Nôtre Dame de Fatima Orsonnes – Fribourg – Suisse ISBN 2 – 9700137 – 9 -7 Lausanne – Thuỵ Sĩ – Hè 1999., tr. 16.
[5] Trần Thái Đỉnh., TRIẾT HỌC HIỆN SINH., Thời mới xuất bản lần 2, 1968., tr. 287.
[6] x. Ga 6 & Lc 24.
[7] x. Ga 6, 22 – 69.
[8] x. Xh 33, 11.
[9] x. G1, 18.
[10] x. Tv 119 & Cn 9, 5.
[11] Ga 6, 33.35.
[12] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI., TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VỀ LỜI THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI., Bản dịch của Ủy Ban Kinh Thánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam., tr. 133 – 134.
[13] Fides ex auditu: Rm 10, 17.
[14] x. Ga 2, 5.
[15] ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc và các linh mục khác, Sđd, tr. 432.
[16] Phan Tấn Thành., CỬ HÀNH BÍ TÍCH TÌNH YÊU., Đời Sống Tâm Linh X., Học Viện Đa minh 2012., tr. 304.