“Thánh Thể là trung tâm điểm và là đỉnh cao của mọi sinh hoạt Giáo Hội, vì trong bí tích này Chúa Kitô liên kết Giáo Hội và các chi thể của Giáo Hội vào hy tế ngợi khen và cảm tạ của Người, được hiến dâng một lần là đủ trên thập giá cho Chúa Cha. Nhờ hy tế này, Chúa Kitô ban xuống tràn đầy các ân sủng của ơn cứu độ cho thân thể Người là Giáo Hội.”[1] Nhất là trong bữa ăn cuối cùng với nhóm mười hai, trước khi bị trao nộp, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể để nói lên tình yêu dâng hiến trọn vẹn của Người “và đây Thầy ở cùng với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
1. Đức Giêsu đã hiến cuộc đời và trọn bản thân cho Chúa Cha trong bữa tiệc cuối cùng.
“Chúng ta thấy rằng trong bữa tiệc cuối cùng, chính Đức Chúa Giêsu đã muốn dùng những dấu chỉ bên ngoài để quảng diễn sự dâng hiến toàn thân của Người lên Cha và cho toàn thể những ai thuộc về Người.”[2] Trong bữa tiệc cuối cùng cử chỉ “bẻ bánh” và dâng “chén chúc tụng” có ý nói lên việc Đức Chúa Giêsu chấp nhận vô điều kiện phần số thảm khốc đang được đề nghị với Người trong giờ phút này. Những lời dứt khoát của Đức Giêsu cho thấy điều Người truyền là: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em- Này là chén Máu Thầy, Máu Giao Ước mới, Giao Ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội.” (Mt 26,26-28, Mc 14,22-25)
Vinh quang của Chúa Cha chính là động cơ thúc đẩy Chúa Giêsu hiến dâng cả hữu thể mình cho Cha, một sự dâng hiến bằng “Mình bị nộp” và Máu đổ ra” trong giờ phút này. Khi mà loài người chưa biết Chúa Cha, thì Đức Chúa Giêsu đã biết Ngài và làm cho thiên hạ biết Ngài (Ga 15,25), làm cho thế gian yêu mến Ngài (Ga 17,24-26) và bằng việc đón nhận sự chết, Người đã nhìn nhận và công bố quyền tối thượng của tình yêu này cho Chúa Cha và để tôn vinh tình yêu Cha đó là: “Con xin thánh hiến chính mình Con cho họ để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.” (Ga 17,19) “Người thay thế cuộc Tưởng Niệm Vượt Qua của Giao Ước cũ bằng Bữa Tiệc Vượt Qua của Giao Ước mới trong đêm trước khi chịu khổ hình. Vừa là chủ tiệc thiết đãi, vừa là tôi tớ phục vụ bàn ăn, Người liên kết ý nghĩa với bữa tối sau cùng đó. Chính ở đây, sự hiện diện đích thân trọn cả tâm hồn là một tình yêu tự hiến thân mình làm tế phẩm.”[3]
Đức Giêsu là “Lời” đến trong thế gian này, vì danh Cha đã hiện thân trong bánh và rượu. Bánh này, rượu này, người trao cho các môn đệ sau khi đã dâng lên cho Cha. Nhìn từ góc độ dâng hiến này thì bánh và rượu diễn tả cụ thể việc Người bằng lòng dâng hiến mạng sống mình để tôn vinh Cha. Và nhìn từ góc độ hiệp thông huynh đệ và phân chia cho các môn đệ thì bánh và rượu là biểu tượng rõ ràng cho mỗi người môn đệ, giá trị cụ thể của cái chết được chấp nhận. Chứng minh một cách có thể sờ thấy được, cái chết mang lại sự sống này đã thấm nhập vào cuộc sống của họ.
“Bữa Tối Sau Cùng của Đức Giêsu với các môn đệ. Đây là bữa trọng tâm, là chóp đỉnh tổng kết ý nghĩa dâng hiến và sứ mạng cứu thế của Người.”[4] “Bữa Ăn Cuối Cùng của Chúa Giêsu mà quan trọng hơn nữa, là diễn lại Hy Tế thập giá của Người một lần trên đồi Canvê xưa kia, khi Người bị treo trên thập giá và đổ máu Mình ra. Và đây là ‘máu giao ước’ đổ ra để cứu chuộc cho muôn người được sống, mỗi lần hy tế đền tội này được tái diễn cách bí tích trên bàn thờ ngày nay.”[5]
2. Thánh hiến trọn bản thân chúng ta cho Chúa Cha.
“Đáp lại sáng kiến tình yêu của Chúa Cha, Đức Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh thể qua việc hiến mình làm của lễ hy sinh dâng lên Chúa Cha và thành lương thực cho nhân loại.”[6] Với việc dâng bánh và rượu, chúng ta biểu lộ một cách dâng hiến vô điều kiện mà tình yêu Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Kitô thúc đẩy chúng ta dâng lên: “vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.” (Rm 12,1)
“Sau khi đã đón nhận lời Thiên Chúa với sự hiểu biết về Thiên Chúa như chính là Đấng tình yêu, như cội rễ trường tồn của tất cả những gì là chúng ta và tất cả những gì chúng ta có, chúng ta nhìn nhận và công bố rằng chỉ có một mình Ngài mới tuyệt đối ngự trị trên chúng ta. Sự sống chúng ta chỉ thực sự là của chúng ta, khi chúng ta chỉ thật sự sống cuộc sống mình khi nó được sống như là lễ vật dâng.”[7] Được thánh hiến trọn vẹn trong tay Cha là thật sự sống trong liên hệ với Chúa Cha là thật sự nhận tất cả từ Chúa Cha, có nghĩa là chúng ta chỉ sống trong liên hệ với Chúa Cha, khi chúng ta dâng hiến trọn cuộc sống chúng ta cho Ngài. Sống “dưới sự hiện diện” của Đấng ban phát và trao ban chính mình Ngài, có nghĩa là chúng ta phải sống với Ngài bằng cách dâng lại và hiến thánh bản thân chúng ta cho Ngài. Trước một tình yêu tự hiến, tự trao ban để làm cho chúng ta có mặt trong thế giới hiện hữu, chúng ta đáp trả lại bằng hiến thánh niềm hạnh phúc được hiện hữu bằng cách dâng hiến chính bản thân chúng ta.
Sự công bố mà chúng ta đã làm để tung hô các kỳ công Thiên Chúa đã bao hàm sự hiến thánh trọn vẹn cuộc sống của chúng ta. Làm sao chúng ta có thể công bố những kỳ công của Thiên Chúa khi tự trong sâu thẩm tâm hồn chúng ta chưa sẵn sàng nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa của chúng ta? “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.” (Mt 15,8; Xh 29,13) Làm sao chúng ta lại có thể công bố các kỳ công của Thiên Chúa, mà tự trong thâm tâm, chúng ta đã sẵn sàng nhìn nhận Thiên Chúa của chúng ta chưa? “Nhờ Đức Kitô, chúng ta hãy luôn luôn dùng lời ngợi khen làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa, tức là dùng miệng lưỡi mà ca tụng Danh Thánh” (Dt 13,15).
Tuy nhiên, vâng lệnh Người, chúng ta làm cho sự thánh hiến trọn con người chúng ta cho Chúa Cha được thể hiện trong bánh và rượu mà chúng ta dâng trên bàn thờ. Chúng ta cố ý nói lên việc chúng ta đón nhận cách vô điều kiện ý nghĩa mà Lời Chúa muốn nói chúng ta về cuộc sống, về sự sẵn sàng của lý trí, của thân xác và tâm hồn của chúng ta cho thánh ý Chúa Cha được thực hiện trong và bởi chúng ta, nói lên việc chúng ta đặt trước Thánh Nhan Chúa như tấm lụa trước người thợ vẻ.
3. Những đòi hỏi cho việc thánh hiến bản thân chúng ta.
Mỗi lần chúng ta bằng lòng bước vào hành động Thánh Thể, là mỗi lần chúng ta được mời gọi tự hỏi. Trong cuộc sống, còn có cái gì mà tôi chưa làm để tiến dâng cho Cha? Việc đem dâng bánh và rượu vẫn cứ qua đi và hình như mọi sự đều trôi chảy đối với chúng ta. Nhưng thật ra mọi sự không trôi chảy khi chúng ta xét cuộc sống thực tại của chúng ta, một cuộc sống vẫn còn quá nhiều lắc léo, xa cách, nhiều điều chưa được tha thứ, một cuộc sống mà quá nhiều giới hạn, nhiều thất bại, thử thách, phản bội, cần phải được chúng ta chấp nhận, một cuộc sống có hằn sâu những khước từ, ích kỷ, tinh vi và tội lỗi.
Chúng ta cũng biết được có những lúc cần phải nghiến răng chấp nhận, những lúc chúng ta không còn chút sức lực nào để dâng chính bản thân chúng ta và rồi một ai đó lãnh trách nhiệm này cho chúng ta. Đức Kitô đã chẳng trao ban cho chúng ta chính của lễ của Người, của lễ dâng lên “một lần cho tất cả” nhân danh chúng ta? Và phải chăng của lễ đó của Người được quyền năng Thánh Thần Chúa làm hiện thực khi chính Đức Kitô sát nhập chúng ta vào trong Người, khi của lễ của Người trở thành của lễ của chúng ta, thành kho báu của chúng ta, khi của lễ của chúng ta trở thành của Người và được dâng lên Cha.
Mỗi lần chúng ta bằng lòng tham dự hành động tạ ơn, là mỗi lần chúng ta dứt khoát đem trở về trong sự dấn thân vô điều kiện của chúng ta khi lãnh nhận phép Thánh Tẩy, một dấn thân ân huệ Chúa ban khơi dậy và nâng đỡ. Cho dù cuộc dấn thân này xảy ra quá đột xuất hoặc đã được chuẩn bị lâu ngày trước, được sống với đầy đủ ý thức hay chỉ tiềm tàng trong sâu thẳm của con người chúng ta, sự dấn thân trong bí tích Thánh Tẩy cũng tổng lược những thời gian khác của cuộc đời chúng ta mà Thiên Chúa hằng sống dần dần chiếm lấy. Chúng ta đã vượt ra khỏi chính bản thân và Thiên Chúa hằng sống thực sự hiện hữu đối với chúng ta. Những gì chúng ta đã cho là thực, trở thành không thực và những gì chúng ta cho là không thực, trở thành thực tại. Đó chính là triều đại của tình yêu, của lòng cởi mở tuyệt đối, của nhưng không, của vô tư. Chúng ta không còn là những con người như trước, bám sâu trong cái thái độ của bản năng nguyên sơ đối với Thiên Chúa, đối với chính chúng ta, với người khác và với thế giới này.”[8]
Cuộc sống chúng ta vẫn còn đầy những ích kỷ, còn quá ngoan cố trước thánh ý Chúa Cha, còn chưa hoàn toàn giao phó cho tình yêu Ngài, còn quá hụt lặn trong con sóng chỉ muốn đưa chúng ta ra khỏi chân lý thì cuộc sống đó của chúng ta vẫn là “vì Thiên Chúa”. Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự chúng ta cố bơi về cội nguồn. Chúng ta đã chọn Chúa hằng sống là Cha chúng ta, trong một lựa chọn tối hậu. Chúng ta đã được sinh ra cho chính chúng ta bằng cách để Thiên Chúa hằng sống sinh ra trong chúng ta, chúng ta đã được đưa trở về từ cõi chết, được phục sinh.
Bánh và rượu là như là dấu chỉ của việc thánh hiến cuộc sống chúng ta cho Cha, chính là hoa quả đầu mùa của hoạt động Chúa Thánh Thần trong chúng ta. “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5,5) Chính nhờ Chúa Thánh Thần khơi dậy trong lòng chúng ta, lòng yêu mến, làm cho chúng ta yêu mến Người “hết lòng, hết dạ” (Đnl 6,5). “Thiên Chúa hằng sống hiện diện trong chúng ta là vì chúng ta yêu mến Ngài nhưng đồng thời chính sự hiện diện của Thiên Chúa làm nảy sinh trong chúng ta tình yêu đem chúng ta lại với Ngài. Thánh Thần Chúa hoạt động trong chúng ta theo phương cách là những gì Ngài làm cho chúng ta, chúng ta cũng làm những điều đó với Ngài. Chúng ta tự do đáp lại tác động của Chúa Thánh Thần, theo cách thức là những gì chúng ta tự nguyện làm, chúng ta làm nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta.”[9]
“Thánh Thể ở trung tâm đời sống thánh hiến của cá nhân và cộng đoàn. Đó là của ăn đường mỗi ngày và nguồn mạch linh đạo cho các cá nhân và Hội dòng. Trong Thánh Thể, mọi người được thánh hiến, được mời gọi sống mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô, khi hiệp nhất với Người trong việc Người hiến dâng mạng sống mình lên cho Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần.”[10] Hiến tế đích thực của chúng ta cũng vậy, chính tất cả công việc mà chúng ta thực hiện để kết hợp với Thiên Chúa bằng một sự hợp nhất thánh thiện… Cũng như con người được thánh hiến đặt biệt cho Thiên Chúa và dâng mình phụng sự Ngài là một hiến lễ.
Vậy chính Thiên Chúa Cha bởi tác động của Chúa Thánh Thần, làm cho chúng ta có thể thánh hiến cuộc sống chúng ta cho Ngài nhưng bằng cách để cho chính chúng ta làm tác động hiến thánh cho Ngài: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (Ga 6,44). Bằng tình yêu mến tâm hồn chúng ta đã vào thực tại lễ vật của Đức Kitô nhưng cũng chính vì tâm hồn chúng ta trước tiên và cách mầu nhiệm được tác động của Chúa Thánh Thần nâng lên khỏi chính mình: “Ta sẽ ban cho các ngươi một quả tim mới, Ta sẽ đặt trong các ngươi một thần khí mới” (Ed 36,26).
Do đó, cuộc đời dâng hiến của người tu sĩ luôn gắn bó mật thiết chặt chẽ với Chúa Giêsu Thánh Thể. Vì cuộc đời của người dâng hiến phản ánh rõ nét cuộc đời Chúa Giêsu hơn cả. Thật vậy, cuộc sống người dâng hiến được xây dựng trên nền tảng các lời khuyên Phúc Âm: “khó nghèo, vâng phục, khiết tịnh”. Những người sống đời dâng hiến được coi như những môn đệ của Chúa Kitô. Do vậy, tất cả những người tu sĩ đã chọn Đức Kitô làm lý tưởng cuộc sống của mình đều mong muốn mình trở nên đồng hình đồng dạng như Ngài. “Những người sống đời dâng hiến là dấu chỉ của Chúa trong những môi trường khác nhau của cuộc sống, là men để làm dậy lên trong xã hội sự công chính và tình anh em hơn, là lời tiên báo của việc chia sẻ với người nhỏ bé và nghèo khó. Nếu được hiểu và sống như thế thì đời sống thánh hiến sẽ thật sự là: một món quà của Chúa, một món quà của Thiên Chúa cho Giáo Hội, là món quà của Chúa cho dân Người!”[11]
4. Tóm lại
Thánh Thể Chúa là nguồn suối mát vô tận, người sống đời dâng hiến được ví như những con nai khát nước tìm về “suối nguồn” vô tận được thỏa mãn cơn khát và tràn chề niềm vui hoan lạc. Và khi có niềm vui hoan lạc từ Thánh Thể, họ sẽ là người mang niềm vui đó cho những người chung quanh. Theo gương Thầy Giêsu những người sống đời dâng hiến bước theo Người cũng cần có một tinh thần quảng đại, can đảm dám biến bản thân mình thành những hạt lúa miến, chấp nhận chịu để nghiền tan để trở thành tấm bánh và nhất là chấp nhận bẻ mình ra để chia sẻ cho anh em đồng loại giữa cuộc đời này. Như vậy, đối với người theo đời sống dâng hiến luôn phải sống gắn kết với Chúa Giêsu Thánh Thể. Vì Thánh Thể là nguồn bổ sức và là ủi an cho con người mỗi khi mệt mỏi chán chường, về với Thánh Thể Chúa để kín múc suối nguồn ân phúc để tiếp tục cho một cuộc hành trình dâng hiến mới.
Giuse Nguyễn Thanh Tùng, SSS
[1] Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, Bí Tích Thánh Thể, http://conggiao.info/bi-tich-thanh-the-la-gi-va-quan-trong-ra-sao-d-19656 (Truy cập Ngày 13/03/2018).
[2] Lm Gioakim Nguyễn Đức Việt Châu,SSS, Hy Lễ Tạ Ơn (Lưu hành nội bộ), 64.
[3] Lm Phaolô Vũ Chí Hỷ,SSS, Thánh Thể Hy Lễ Tạ Ơn (Lưu hành nội bộ), 80-81.
[4] Lm Phaolô Vũ Chí Hỷ,SSS, Thánh Thể Hy Lễ Tạ Ơn (Lưu hành nội bộ), 80.
[5] Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, Bí Tích Thánh Thể, http://conggiao.info/bi-tich-thanh-the-la-gi-va-quan-trong-ra-sao-d-19656 (Truy cập Ngày 13/03/2018).
[6] Bùi Văn Đọc và Các Linh Mục Khác, Thần Học Về Bí Tích Thánh Thể (Hà Nội: NXB.Tôn Giáo, 2009), 117.
[7] Lm Gioakim Nguyễn Đức Việt Châu,SSS, Hy Lễ Tạ Ơn (Lưu hành nội bộ), 79.
[8] Lm Gioakim Nguyễn Đức Việt Châu,SSS, Hy Lễ Tạ Ơn (Lưu hành nội bộ), 85.
[9] Lm Gioakim Nguyễn Đức Việt Châu,SSS, Hy Lễ Tạ Ơn (Lưu hành nội bộ), 87.
[10] Lm Phaolô Vũ Chí Hỷ,SSS, Thánh Thể Hy Lễ Tạ Ơn (Lưu hành nội bộ), 208.
[11] Đời Dâng Hiến Là Món Quà Của Chúa, Pr. Lê Hoàng Nam, SJ chuyển ngữ, https://dongten.net/2014/02/03/angelus-voi-duc-giao-hoang-doi-dang-hien-la-mon-qua-cua-chua/ (Truy cập Ngày 13/05/2018).