CHẦU THÁNH THỂ,
Ở RIÊNG CÙNG VỚI ĐỨC KITÔ
Có lẽ bấy giờ là một buổi chiều mùa hè nóng nực, Chúa Giêsu cùng với các môn đệ đang trải qua một tình trạng vừa đói lả vừa mệt mỏi về thể lý, Chúa Giêsu nói với các môn đệ : “Hãy đi đến một nơi hoang vắng mà nghỉ ngơi một thời gian “. Như Phúc Âm Máccô nói với chúng ta, “Các môn đệ đã lên thuyền đi đến một nơi vắng vẻ”. Mặc dù, chỉ thỉnh thoảng các sách Tin Mừng mới đề cập đến chuyện như thế, nhưng chắc chắn, rất nhiều lần Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ dành chút ít thời gian ở riêng với Ngài để nghỉ ngơi yên tĩnh và để thầy trò chuyện vãn thân mật với nhau. Chúa Giêsu đã dùng những thời điểm đặc biệt đó, xa hẳn những nơi công cộng hối hả và nhộn nhịp, để chia sẻ cho các môn đệ của mình những hướng dẫn chi tiết hơn và để nuôi dưỡng tinh thần của họ. Đây là dịp Chúa Giêsu có thể mở trái tim mình ra cho những bạn hữu nghĩa thiết của Ngài và mặc khải cho họ những bí ẩn về ngôi vị của Ngài.
Kể từ thời Trung Cổ, theo cảm thức của mình, Giáo Hội đã hoàn toàn quan niệm rằng việc chầu Thánh Thể là cơ hội cho các môn đệ ngày nay đón nhận những lợi ích và niềm vui thú y như các môn đệ thưở ban đầu trong suốt thời gian họ được tách biệt riêng ra để chỉ ở bên Chúa Giêsu. Hôm nay, chúng ta nhấn mạnh – và với lý do chính đáng – sự hiện diện đích thật và vĩnh cửu của Chúa Kitô Thánh Thể, bên ngoài thời gian Thánh Lễ, là một sự hiện diện tuôn chảy từ Thánh Lễ và dẫn chúng ta trở lại hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô mà chúng ta đã thưởng nếm trong Thánh Lễ. Những lần cầu nguyện trước Chúa Kitô Thánh Thể đều là cơ hội tuyệt vời cho chúng ta suy ngẫm về tình yêu, tình yêu của Chúa Kitô, một tình yêu đã dám ôm lấy những đau khổ khủng khiếp và chấp nhận chịu đóng đinh trên thập giá; là cơ hội tuyệt vời để chúng ta đặt trái tim trần trụi của mình trước Chúa Kitô và để suy gẫm về cuộc chiến của chúng ta chống lại tội lỗi cũng như suy gẫm về những nỗ lực của chúng ta – thường là những nỗ lực nghiêm ngặt – để trở về với tình yêu.
Trong số các thánh của thế kỷ thứ XIX, những vị đã hiểu rõ được giá trị vĩ đại của lời cầu nguyện kéo dài trước Thánh Thể, cha Eymard có thể nói là một nhân vật không ai sánh kịp. Với một tầm nhìn sâu sắc, cha đã hiểu rõ giá trị của chầu Thánh Thể đối với sự tiến triển tâm linh của cá nhân những người Kitô hữu và đem lại những lợi ích sâu rộng cho Giáo Hội. Không còn nghi ngờ gì nữa, gương mẫu cá nhân và giáo huấn của cha Eymard cho thấy rằng ngài là một con người của cầu nguyện và là một người tôn thờ Chúa Kitô Thánh Thể kiệt xuất. Những ai đã chứng kiến vẻ bên ngoài của thánh Eymard khi chầu Thánh Thể đều làm chứng cha có cái nhìn thật ngây ngất, đầy chăm chú cũng như xác thân của cha rất an tịnh trước Mình Thánh Chúa.
Thật khó để có thể tóm tắt trong một vài từ những lời giảng dạy của thánh Eymard liên quan đến việc tôn thờ Bí Tích Thánh Thể, nhưng chúng tôi cũng cố gắng để phác hoạ ở đây một vài nét đặc biệt của giáo huấn này. Trước hết, cha Eymard tuyên bố: “Chầu Thánh Thể là tôn vinh phép Thánh Thể… là sự tôn kính Thiên Chúa mà những người tôn thờ thể hiện với toàn bộ hữu thể, thân xác và tâm hồn của họ; đó là sự tôn thờ vừa ở bên trong, vừa bên ngoài và mang tính công cộng”. Thứ hai, lời dạy của thánh Eymard rất dễ cảm nhận, đó là việc cầu nguyện của chúng ta trước sự hiện diện của Chúa Kitô Thánh Thể phải phản ánh được những khía cạnh của cầu nguyện diễn ra trong Hy Tế Thánh Lễ. Ngài nói : “Mục đích mà chúng tôi đề ra trong Hội Dòng nhỏ bé của chúng tôi” – cha Eymard đang quy chiếu về Hội Dòng ngài mới thành lập – “là để làm cho Chúa Giêsu Kitô nơi Bí Tích Thánh Thể được hiển vinh nhờ phương thế 4 mục đích của Hy Tế: thờ phượng, tạ ơn, đền tạ và cầu khẩn.”
Thánh Eymard cũng nhấn mạnh rằng đằng sau việc thể hiện phương thế 4 mục đích để chúc tụng ngợi khen Chúa Kitô Thánh Thể – cho dù sự thể hiện đó là bên trong hoặc bên ngoài – vẫn phải là sự trao dâng một tình yêu chân thật. Cha Eymard viết: “Vì Hy Lễ Tạ Ơn là hoa trái phúc lành bởi tình yêu của Chúa Giêsu Chúa Kitô để mang lại tình yêu, cho nên chúng ta phải thờ lạy và tôn vinh Ngài bằng chính với tình yêu đó”. Cuối cùng, thật quan trọng để chỉ ra rằng thánh Eymard đã không mong muốn một lối cầu nguyện Kitô giáo cứng ngắc và người tôn thờ phải dùng tới một phương pháp cầu nguyện quá khắt khe. Ngài nhận ra rằng lời cầu nguyện của người Kitô hữu nhiệt thành là một điều gì đó đơn giản như dòng chảy liên tục được phát triển, được tăng lên và di chuyển cùng với hơi thở của Chúa Thánh Thần. Và như vậy, ngài khuyên rằng “phương thế tốt nhất để thờ lạy Chúa… chính là cách thức mà Chúa Thánh Thần linh hứng và nuôi dưỡng sự tôn thờ trong một trái tim khiêm tốn và ngay thẳng”.
Ngày hôm nay, có nhiều người, ngay cả các Kitô hữu, chỉ lo đi tìm ý nghĩa và an toàn trong những gì là thấy được, sờ chạm được và thỏa mãn ngay lập tức, họ muốn những thứ đem lại một kết quả nhanh chóng. Thế là, khung sườn của thứ tâm trí này tác động một cách tiêu cực đến thái độ cầu nguyện của họ, đặc biệt tác động đến tâm nguyện và việc cầu nguyện chiêm niệm. Việc cầu nguyện chiêm niệm thật sự không bao giờ là một chuyến bay lơ lửng trên mây hoặc rút khỏi thực tế, khỏi những thực tại của cuộc sống hàng ngày. Đúng hơn, việc cầu nguyện chiêm niệm lôi kéo chúng ta chú tâm vào hiện thực. Cầu nguyện chiêm niệm đích thật sẽ giúp chúng ta vượt qua những cám dỗ chạy trốn trách nhiệm của mình, giúp chúng ta thăng tiến ý nghĩa thực sự của đức tin, lòng tín thác, niềm hy vọng và tình yêu trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Và nếu điều này là đúng cho tất cả mọi kinh nguyện Kitô giáo đích thực, thì càng đặc biệt đúng hơn nữa đối với việc cầu nguyện trước sự hiện diện của Chúa Kitô Thánh Thể. Chầu Thánh Thể đã từng được gọi là một sự tạm dừng để chiêm ngắm được chèn vào giữa cuộc cử hành Thánh Lễ và sinh hoạt của đời sống Kitô hữu. Đây là cơ hội để nội tâm hóa những gì chúng ta đã cử hành, là cơ hội để cho gương mẫu của Chúa Kitô, Đấng đã tuyệt đối dành trọn tình yêu cho Chúa Cha và trao ban tình yêu vô biên của Ngài cho chúng ta, chuyển đổi tất cả các khía cạnh của cuộc sống chúng ta.
“Hãy đi đến một nơi hoang vắng và nghỉ ngơi đôi chút.” Đó là những lời mà Chúa Giêsu tiếp tục nói với chúng ta, những môn đệ thời nay của Ngài, và còn nơi nào tốt đẹp hơn để nghỉ ngơi cầu nguyện cho bằng trước Chúa Kitô Thánh Thể. Không nhất thiết phải dành nhiều thời gian lắm để tôn thờ Chúa Kitô Thánh Thể. Ngay mười lăm phút mỗi ngày, hoặc vài ngày một tuần thôi cũng có thể là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa và đem lại lợi ích lớn lao cho chúng ta. Thời gian dành ra để thờ lạy Chúa Kitô trong Nhiệm Tích Thánh Thể, nếu chúng ta để hết tâm trí và tình cảm vào đó – chắc chắn sẽ có một tác động mạnh mẽ trên đời sống chúng ta. Những gì Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ đầu tiên của mình, Ngài vẫn tiếp tục làm cho chúng ta: Ngài sẽ soi sáng, thúc đẩy, nuôi dưỡng và củng cố chúng ta. Nếu chúng ta luôn sẵn sàng và thường xuyên dành thời gian đến cầu nguyện trước Chúa Kitô Thánh Thể, chúng ta sẽ có mặt trước nhan Ngài còn hơn cả những người Kitô hữu nhiệt thành và những chi thể hăng hái của Giáo Hội Chúa Kitô nữa, chúng ta sẽ là dấu chỉ hiệu quả hơn và dụng cụ đắc dụng hơn trong Vương Quốc của Chúa cho thế giới xung quanh chúng ta.