Học Viện Thánh Thể

  • Trang chủ
  • Bản tin
    • Tin học viện
    • Tin giáo hội
    • Tin tỉnh dòng
  • Thánh thể
    • Thần học thánh thể
    • Linh đạo thánh thể
    • Giờ thánh
    • Bài viết sinh viên
  • Thánh eymard
    • Tiểu sử
    • Tài liệu
  • Video
  • Hình ảnh
  • Phụng vụ
  • Audio
    • Đức mẹ thánh thể
    • Phép lạ thánh thể
  • Luật sống
  • Thánh ca
Học Viện Thánh Thể

BÁNH VÀ RƯỢU ĐƯỢC BIẾN ĐỔI

Chia sẻ lời chúa0

Dẫn nhập

Trong thông điệp Ecclessia De Eucharistia viết: “Hội Thánh múc nguồn sự sống từ Thánh thể. Sự thật này không chỉ đơn thuần diễn tả một kinh nghiệm thường nhật của đức tin, nhưng tóm kết cốt lõi của mầu nhiệm Hội Thánh. Trong niềm hân hoan, Hội Thánh kinh nghiệm, dưới nhiều hình thức, sự thực hiện liên lỉ lời hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Nhưng trong Bí tích Thánh Thể, qua việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa, Hội Thánh vui hưởng sự hiện diện này với một cường độ mãnh liệt duy nhất”.[1] Thật vậy, trải qua những giai đoạn phát triển thần học và phụng vụ, đặc biệt là trong lối diễn giải về Bí tích Thánh Thể. Giáo Hội đã mang lại cho chúng ta một cái nhìn đức tin về Bí tích cao trọng này, cũng như kết hợp giữa triết học và thần học giúp cho lý trí ngày càng hiểu biết hơn trong đức tin khi đứng trước mầu nhiệm Thánh Thể qua việc bánh và rượu được biến đổi trở nên Mình và Máu Đức Giê-su Ki-tô.

  1. Bánh và rượu được biến đổi bản thể

Bánh và rượu là những yếu tố vật chất của vũ trụ được Thiên Chúa ban cho con người và với sự cộng tác của bao lao công con người. Như trong nghi thức thánh lễ của sách lễ Rôma viết: khi linh mục đứng ở bàn thờ nhận đĩa thánh có bánh hai tay nâng cao một chút và đọc nhỏ tiếng:

“Lạy Chúa là Chúa cả trời đất, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con” (x. SLRM, nghi thức thánh lễ có giáo dân tham dự, số 23).

Cũng tương tự như thế khi linh mục nhận chén thánh, cầm hai tay, nâng lên khỏi bàn thờ một chút và đọc nhỏ tiếng:

“Lạy Chúa là Chúa cả trời đất, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con rượu này là sản phẩn từ cây nho và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên của uống Thiêng liêng cho chúng con” (x. SLRM, nghi thức thánh lễ có giáo dân tham dự, số 24).

Như thế, để có được tấm bánh và ly rượu, trước tiên đối với những người có niềm tin vào Thiên Chúa là do chính Thiên Chúa ban tặng cùng với sự cộng tác của con người. Theo lẽ thông thường để làm nên một tấm bánh cần những nguyên liệu khác nhau, chủ yếu là bột của các loại yến mạch (lúa mạch…). Rượu để có được cũng phải có những nguyên liệu phù hợp cho việc làm rượu, chẳng hạn như rượu nho được làm nên bởi chất liệu là những trái nho. “Trong chất liệu xa của Bí tích Thánh Thể bánh phải là bánh miến (mì) và rượu nho”.[2] Theo truyền thống của Giáo Hội xưa nay, và những giáo huấn của Giáo Hội: “Bánh phải được làm bằng bột lúa mì nguyên chất và mới làm để tránh mọi nguy cơ hư hoại; Rượu nho phải làm tự nhiên từ trái nho và không bị hư”.[3]

Việc biến đổi bản thể bánh và rượu trong thông điệp Ecclesia de eucharistia viết: “việc truyền phép trên bánh và rượu biến đổi tất cả bản chất của bánh thành bản chất của mình Đức Ki-tô, Chúa chúng ta biến đổi tất cả bản chất của rượu thành bản chất của Máu Người. Và Hội Thánh Công Giáo đã gọi cách thích hợp và chính đáng là sự biến thể”.[4]

Khi bàn đến việc biến đổi bản thể của bánh và rượu các nhà thần học kinh viện phải nại đến triết học (kinh viện) của Aristốt để phân biệt giữa “bản thể” (Substantia) và “phụ thể” (Accidens). Phụ thể là cái gì thuộc về không gian và thời gian có thể thấy được; bản thể là cái gì chống đỡ các phụ thể tạo nên căn tính của một vật. Nhờ sự phân biệt này mà thuật ngữ “chuyển bản thể” (transubstantiatio) được tạo ra để giải thích sự biến đổi nơi Bí tích này. Các phụ thể của bánh và rượu vẫn không thay đổi, nhưng bản thể (nghĩa là bản tính Essentia) đã được biến đổi thành Mình và Máu Thánh Đức Giê-su. Thuật ngữ transubstantitio xuất hiện nơi tác phẩn của Rolando Bandineli (Sententiae, năm 1140 – 1142, về sau Giáo Hoàng Alêxandrô III) và được Công Đồng Latêranô IV năm 1215 sử dụng trong công thức đức tin chống lại lạc giáo Albigeois.[5] 

Sau khi bản thể bánh và rượu được biến đổi trở thành Mình và Máu Chúa Ki-tô, thì bản thể của bánh và rượu không còn như lúc ban đầu mà trở thành một bản thể khác là bản thể của Chúa Giê-su (mình và máu). Thần học kinh viện giải thích rằng một đằng không nên hiểu như là thân thể vật lý (Corporaliter) của Chúa Giê-su (totus Christus), nghĩa là cả thân xác và linh hồn, nhân tính và thần tính của Ngài. Sự biến đổi bản thể bánh và rượu diễn ra như thế nào? Các nhà thần học đưa ra bốn ý kiến: a) bánh trở về với chất thể nguyên thủy; b) bản thể của bánh cùng tồn tại với mình Chúa (vì thế chúng ta nên gọi là Consubstantiatio, hay impanatio); c) bản thể của bánh bị hủy diệt; d) bản thể của bánh được biến đổi, cũng tương tự như lương thực được biến đổi thành lương thực nuôi dưỡng thân thể chúng ta.[6]

  1. Bánh và rượu được biến đổi trở thành Mình và Máu Chúa Ki-tô

Bí tích Thánh Thể được Đức Giê-su thiết lập trong bối cảnh bữa ăn vượt qua của người Do thái. Chúng ta hãy lần giở lại những bản văn của Cựu Ước về nghi thức lễ vượt qua của người Do thái. Chương 12 Sách Xuất Hành quy định nghi thức lễ vượt qua:

“Đức Chúa phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron trên đất Ai-cập: “Tháng này, các người phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ítraen: Mồng một tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con […]. Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày 14 tháng này, rồi toàn thể đại hội đồng Ítraen đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên ăn với bánh không men và rau đắng […]. Các người phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua muôn thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là quy định cho đến muôn đời” (Xh 12,1-14).

Chương 12 còn đề cập tiếp về lễ vượt qua:

“Ông Mô-sê triệu tập tất cả các kỳ mục Ítraen và nói với họ “Hãy bắt chiên cừu về cho gia đình anh em, và sát tế làm lễ vượt qua […]. Anh em phải giữ điều đó như điều luật vĩnh viễn cho mình và cho con cháu. Khi được vào đất mà Đức Chúa ban cho anh em như người đã phán, anh em sẽ giữ nghi lễ đó. Khi con cháu anh em hỏi anh em: “Nghi lễ này có ý nghĩa gì đối với quý vị? Anh em sẽ trả lời: “Đó là lễ tế vượt qua Mừng Đức Chúa, Đấng vượt qua các nhà của con cái Ítraen tại Ai- cập, khi người đến đánh phạt Ai-cập và cho các nhà chúng ta thoát nạn”. Dân quỳ xuống và phủ phục. Con cái Ítraen ra đi và làm y như lời Đức Chúa phán truyền cho ông Mô-sê và ông A-ha-ron” (Xh 12,21-28).

          Đây là lề luật của Phụng vụ Do thái được Thiên Chúa thiết lập qua Mô-sê và hằng năm biến cố này lại được lập lại, để con cái Ítraen không bao giờ quên Thiên Chúa đã đi vào lịch sử của dân Người. Tuy nhiên, theo thời gian việc cử hành nghi thức vượt qua cũng có nhiều thay đổi. Vào thời Đức Giê-su, lễ vượt qua vẫn phải có con chiên nướng, nhưng ngoài ra vẫn còn phải có nhiều món khác; người ta ăn lễ vượt qua vào ngày 14 tháng Nisan, tức là rằm tháng giêng âm lịch theo thời gian Do thái. Người ta ăn lễ từ lúc mặt trời lặn, tức khoảng 6 giờ chiều và chỉ được kết thúc vào lúc nửa đêm. Bữa ăn có thể chia làm bốn phần một cách uyển chuyển, căn cứ vào chén rượu chung, được gọi tên khác nhau. Mỗi thực khách đều có chén rượu riêng và uống bao nhiều tùy thích; thế nhưng vẫn có một chén rượu chung theo nghi lễ mà chủ nhà sẽ đọc kinh, sẽ uống trước và truyền cho mỗi thực khách cùng uống.[7]

          Trong bữa tiệc sau hết Đức Giê-su đã cùng đồng bàn với các môn đệ, trong bữa ăn đó Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể qua các cử chỉ và lời nói của Ngài mà các Tin Mừng thuật lại và Hội Thánh định tín rằng đó là lúc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể trước khi chịu khổ nạn để ở lại với con người.

 v Với lời truyền phép trên bánh: “Cũng trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình thầy” (Mc 14,22; Mt 26,26; Lc 22,19; 1Cr 11,23-24).

 v Với lời truyền phép trên rượu: “Rồi Người cầm lấy chén rượu, dâng lời tạ ơn, trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu giao ước mới, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,23-24; Mt 26,27-28; Lc 22,20; 1Cr 11,25).

Thật vậy, trải qua hơn 2000 năm, Giáo Hội vẫn tiếp nối công việc của Chúa Giê-su qua việc cử hành hy tế tạ ơn. Các trang Tin Mừng tường thuật về việc Đức Giê-su thiết lập Bí tích Thánh Thể: Mt 26,26-29; Mc 14,22-25; Lc 22,15-20; 1Cr 11,23-26. Theo các nhà Thánh Kinh, bốn đoạn Tin Mừng trên đều mang sắc thái của Phụng vụ.[8]

Trong việc cử hành hy tế tạ ơn (Thánh lễ) Giáo Hội xác tín một điều rằng: khi linh mục đọc lời truyền phép trên bánh và trên rượu, tức thì bánh và rượu không còn là bánh nữa và rượu không còn là rượu nữa mà được biến đổi bản thể trở nên mình và máu Chúa Ki-tô. “Trong thánh lễ, việc tái diễn có tích bí tích hy tế của Đức Ki-tô, được hoàn thành nhờ sự sống lại, bao hàm một sự hiện diện độc đáo nhất mà theo lời của Đức Phaolô VI “là một sự hiện diện thực sự”, không theo nghĩa độc chiếm, nghĩa là loại trừ tất cả mọi hình thức hiện diện khác, như thể những hiện diện đó không “có thật”, nhưng là sự hiện diện mang nghĩa trọn vẹn nhất: một sự hiện diện theo bản thể”.[9]

Công đồng Trentô đã mang lại cho chúng ta những định tín của hành động truyền phép trên “bánh” và “rượu”: “việc truyền phép trên bánh và rượu biến đổi tất cả bản chất của bánh thành bản chất của mình Đức Ki-tô, Chúa chúng ta đã biến đổi tất cả bản chất của rượu thành bản chất của máu Người. Và Hội Thánh Công giáo đã gọi cách thích hợp và chính đáng là sự biến thể”.[10]

Quả thực đây là một mầu nhiệm đức tin vì nó vượt qua giác quan của con người, nhưng không vì thế mà con người không ngừng tìm hiểu về mầu nhiệm Thánh Thể. Các nhà thần học qua các thời đại vẫn luôn nỗ lực minh chứng và giải thích cho chúng ta về sự biến thể của bánh và rượu trở thành mình và máu Chúa Ki-tô.

  1. Vài trò của Chúa Thánh Thần trong việc biến đổi bánh và rượu

Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, Ngài hoạt động cùng với Chúa Cha và Chúa Con từ lúc khởi đầu khi Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật. Thiên Chúa Cha là Đấng sáng tạo; Thiên Chúa Con là Đấng cứu độ và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa. Chúa Thánh Thần Ngài sẽ biến đổi thánh hóa tất cả mọi loài thụ tạo nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa.[11]

Trong phụng vụ Thánh Thể, trước khi linh mục truyền phép trên bánh và rượu, linh mục sẽ đọc kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần; “Êpiclesis”.Tiếng Hy lạp có nghĩa là “khẩn cầu” hay “nài van”, chúng ta gọi là “kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần” (trước khi truyền phép). Trong kinh này, chủ tế khẩn cầu quyền năng của Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến thánh hóa những lễ vật bánh và rượu để trở nên Mình và Máu Đức Giê-su Ki-tô và nguồn cứu độ cho thế gian.[12]

“Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng Thánh, là nguồn mọi sự thánh thiện. Vì thế, chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hóa những của lễ này, trở nên cho chúng con, Mình và Máu Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con” (x. SLRM, kinh nguyện Thánh Thể II); Hay: “Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng Thánh, và muôn vật Chúa đã tạo thành đều phải ca ngợi Chúa, vì nhờ Đức Giê-su Ki-tô, con Chúa, Chúa chúng con, do quyền năng tác động của Chúa Thánh Thần, Chúa ban sự sống và thánh hóa mọi loài, và không ngừng quy tụ một dân riêng, để từ đông sang tây họ dâng lên Chúa một hiến lễ tinh tuyền. Vì vậy, lạy Chúa, chúng con tha thiết nài xin Chúa, nhờ cũng một Chúa Thánh Thần, đoái thương thánh hóa của lễ chúng con dâng tiến Chúa đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giê-su Ki-tô, Con Chúa, Chúa chúng con, thừa lệnh người chúng con cử hành mầu nhiệm này” (x. SLRM, kinh nguyện Thánh Thể III).

Theo đức tin của Giáo Hội, hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Thánh Thể không phải chỉ khai diễn ở mức độ “restantum” (làm Thánh Thể sinh hiệu quả và lay động tâm hồn người rước lễ), nhưng còn đi xa hơn nữa. Thánh Thần còn tác động ngay ở mức độ “res et sacramentum”. Chính Thánh Thần làm cho Đức Giê-su hiện diện “theo bản thể” (substantialiter) trong Thánh Thể. Đây là vấn đề được thần học gọi là “Conversio eucharistica”.[13]

Như thế, vai trò của Thánh Thần không thể nào tách rời trong việc biến đổi bánh và rượu trở nên mình và máu của Đức Ki-tô. Với quyền lực của Thánh Thần (Ngôi Ba Thiên Chúa) không gì là không thể làm được, mặc dù con mắt xác thịt không thấy, nhưng con mắt đức tin dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta khẳng định rằng: qua việc truyền phép trên bánh và trên rượu, Thánh Thần sẽ biến đổi trở thành mình và máu của Đức Giê-su Ki-tô (x. GLHTCG, số 1375). Có thể dùng lời của thánh Thomas để kết luận vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc biến đổi này: “Mình Đức Ki-tô ở trong Bí tích này cách tâm linh, nghĩa là một cách vô hình và bởi quyền năng của Thánh Thần”.[14]

Kết luận

Bánh và rượu được biến đổi trở thành Mình và Máu Đức Giê-su Ki-tô đó là một thực tại không thể nào phủ nhận được trong đời sống Đức tin của Giáo Hội. Người Ki-tô hữu luôn được mời gọi năng đến với Bí tích Thánh Thể, nhất là cùng nhau cử hành Bí tích cao trọng này cùng với việc đón nhận Thánh Thể, đây là nguồn thần lương, là phương dược nuôi sống linh hồn và thân xác trong đời sống Đức tin. Với quyền năng của Thiên Chúa biến đổi bánh và rượu  trở thành Mình và Máu Đức Giê-su  Ki-tô, thì khi chúng ta đón nhận Thánh Thể, Ngài sẽ biến đổi chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su Ki-tô, giúp chúng ta chu toàn sứ mệnh mà Thiên Chúa đã trao phó cho ta trong ngày lãnh nhận phép rửa.

Phanxicô xaviê Trần Anh Tú, SSS

[1] GIOAN PHAOLÔ II, Ecclesia De Eucharistia (17/4/2003), số 1.

[2] BÙI ĐỨC SINH, Học Hỏi Và Sống Mầu Nhiệm Thánh Thể, năm thánh 2005, nxb (không), nxb (không), tr. 18.

[3] Giáo luật, số 924, khoản 2 và 3.

[4] Ecclesia De Eucharistia (17/4/2003), số 15.

[5] PHAN TẤN THÀNH, Bí Tích Tình Yêu, Đời sống tâm linh IX, Học viện Đaminh 2011, tr. 23.

[6] Sđd., tr 23-24.

[7] NGUYỄN VĂN TRINH, Phụng Vụ Thánh Lễ, Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu, nxb Tôn giáo, nxb 2008, tr. 11.

[8] Sđd., tr. 15.

[9] Ecclesia De Eucharistia (17/4/2003), số 15.

[10] Sđd., số 15.

[11] x. GLHTCG, số 686.

[12] PHẠM ĐÌNH ÁI, Cử Hành Hy Lễ Tạ Ơn, mục vụ phụng vụ thánh lễ, nxb Phương Đông, nxb 2014, tr. 254.

[13] NGUYỄN VĂN TUYÊN, Đây Là Mầu Nhiệm Đức Tin, nxb Tôn giáo, nxb 2001, tr. 33-34.

[14] Xc. Sđd., tr. 34.

 

logo
HỌC VIỆN THÁNH THỂ
Địa Chỉ: 198/30 (số cũ 108/8) Điện Biên Phủ - Phường 17 - Q. Bình Thạnh - Tp HCM.
Điện thoại: 028.3899 6785     Email: bantruyenthonghvsss@gmail.com
@2018 - hocvienthanhthe.com. All Right Reserved. Designed and Developed by Học Viện Thánh Thể
Học Viện Thánh Thể
FacebookTwitterLinkedinYoutubeRssTelegram
  • Trang chủ
  • Bản tin
    • Tin học viện
    • Tin giáo hội
    • Tin tỉnh dòng
  • Thánh thể
    • Thần học thánh thể
    • Linh đạo thánh thể
    • Giờ thánh
    • Bài viết sinh viên
  • Thánh eymard
    • Tiểu sử
    • Tài liệu
  • Video
  • Hình ảnh
  • Phụng vụ
  • Audio
    • Đức mẹ thánh thể
    • Phép lạ thánh thể
  • Luật sống
  • Thánh ca