Dấu Thánh Giá – Lời Chào – Dẫn Nhập
(Để Nhớ Đến Thầy tiếp theo)
6- DẤU THÁNH GIÁ – LỜI CHÀO – DẪN NHẬP
I. VĂN KIỆN
Sau Ca Nhập lễ, vị tư tế, đứng tại ghế, cùng toàn thể cộng đoàn làm Dấu Thánh giá. Tiếp đó, dùng lời chào mà nói cho cộng đoàn biết là có Chúa hiện diện… Sau khi chào giáo dân xong, vị tư tế hay phó tế, hay một thừa tác viên khác có thể nói ít lời dẫn nhập tín hữu vào Thánh lễ hôm ấy (QCSL 50).
II. LỊCH SỬ
A. Dấu Thánh giá
Làm Dấu Thánh giá là một thói quen lâu đời trong Kitô giáo bắt nguồn và dựa trên bản văn Tin Mừng Mt 28,19: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Bí tích Rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”
Có lẽ việc thực hành đã có từ thế kỷ thứ II, nó gợi lại việc máu con chiên được bôi trên cửa của những người Do Thái tại Ai Cập vào đêm Vượt qua (x. Xh 12,7) và báo trước dấu ấn sẽ được ghi trên trán của các vị thánh trên trời. Nó cũng gợi lại bản văn Kinh Thánh Ed 9 trong đó Đức Chúa gọi người mặc áo vải gai, đeo tráp ký lục ở ngang lưng và phán với người ấy: “Hãy rảo khắp thành, khắp Giêrusalem. Hãy ghi dấu (chữ thập) trên trán những người đang rên siết khóc than về mọi điều ghê tởm đang xảy ra trong khắp thành.” Ngài cũng phán với năm người khác hãy đi theo người ấy vào thành, chém giết tất cả mà không thương hại hay xót thương ai; nhưng không được đụng đến tất cả những ai mang dấu trên mình…Từ “dấu” trong tiếng Hipri là Tav, đây là chữ cái cuối cùng trong bảng chữ cái của ngôn ngữ này và có hình dạng được viết như hình thánh giá (T hay X). Dấu được sử dụng trong Ed 9 là dấu ấn nói lên chủ quyền của Thiên Chúa trên đối tượng có ghi dấu. Bởi vậy, khi làm Dấu Thánh giá chúng ta đồng hóa mình như dân của Chúa. Chúng ta thấy các thiên thần trong Kh 7,2-3 cũng mang dấu ấn của Thiên Chúa. Dấu ấn này cũng liên kết chúng ta với danh của Con Chiên và thánh danh Chúa Cha (Kh 14,1; 22,4).. Tertullianô đã dạy ngay từ thế kỷ III rằng “ …mỗi bước đi và di chuyển, mỗi lần đi vào và đi ra, khi mặc y phục và xỏ giày…trong tất cả mọi hoạt động thường ngày, chúng ta hãy ghi Dấu Thánh giá”.[1] Dầu không biết là việc ghi Dấu Thánh giá có được tuân giữ một cách phổ biến và chăm chỉ đến như thế hay không, nhưng những lời ấy đã minh họa cho chúng ta biết tầm quan trọng của Dấu Thánh giá thời Hội Thánh sơ khai.[2]
Theo truyền thống từ xa xưa, các tín hữu làm Dấu Thánh giá khi bắt đầu mỗi công việc, đặc biệt là khi bắt đầu cử hành phụng vụ.[3] Dĩ nhiên, cách thức chỉ là ghi Dấu Thánh giá trên trán như đứa trẻ được cha mẹ và những người đỡ đầu thực hiện trong Nghi thức Thanh tẩy hiện nay.[4] Từ đầu thế kỷ III, tại Phi châu và Roma, việc ghi Dấu Thánh giá trên trán trong Nghi thức Khai tâm Kitô giáo đã trở thành một phương thức truyền thống bày tỏ người đón nhận thuộc về Chúa Kitô và được coi như là một loại dấu ấn vô hình. Cuối thế kỷ IV, làm Dấu Thánh giá được thực hiện nhiều lần khi cử hành các Bí tích. Đến thế kỷ IX, khi tới Bàn thờ, Đức Giáo hoàng ghi Dấu Thánh giá chỉ trên trán của ngài.[5] Mãi tới thời hậu Trung cổ (1100-1400), trong phụng vụ Roma, việc làm Dấu Thánh giá lúc bắt đầu Thánh lễ mới xuất hiện khi chủ tế dẫn vào Lời nguyện Đầu lễ tại chân Bàn thờ…Đó là những lời nguyện được linh mục đọc trên đường dẫn tới cung thánh.[6] Theo Jungmann, công thức và hành động làm Dấu Thánh giá lúc đầu lễ thời Trung cổ là nhằm “khấn xin phúc lành của Thiên Chúa” và thừa nhận rằng “chúng ta bắt đầu hành vi thánh thiện trong quyền năng từ Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ Thập giá Chúa Kitô”.[7]
Dấu Thánh giá mang thêm nhiều ý nghĩa sau đó và trở thành một cử điệu trừ tà. Vào thế kỷ thứ XIII, Đức Innocent III (cùng thời với thánh Phanxicô Atxixi) mô tả tập tục làm Dấu Thánh giá ở Tây phương đồng thời cũng hướng dẫn các tín hữu ý nghĩa của Dấu Thánh giá rằng:
Dấu Thánh giá được làm với 3 ngón tay (cái, trỏ và giữa) chụm lại với nhau bởi vì dấu hiệu được thực hiện với sự khẩn cầu Ba Ngôi Thiên Chúa. Cách làm như thế này: từ trên xuống dưới, và từ phải qua trái, bởi lẽ Đức Kitô đã từ trời xuống thế và từ người Do Thái (phải) Người tiến sang dân ngoại (trái).
Bấy giờ, cả Đông lẫn Tây phương, mọi người vẫn làm Dấu Thánh giá như trên. Đức Giáo hoàng Innocent III nói:
Tuy nhiên, những người khác làm Dấu Thánh giá từ trái qua phải vì chúng ta phải băng qua từ tình trạng tân khổ (trái) mà đến vinh quang (phải) như Đức Kitô băng qua từ cõi chết mà đến cõi sống, và từ âm phủ mà đến thiên đàng. [Một số linh mục] làm theo cách như thế để các ngài và dân chúng sẽ làm dấu cùng một hướng. Bạn có thể dễ dàng xác định bức tranh linh mục đối diện ban phép lành cho dân chúng – khi linh mục làm Dấu Thánh giá trên dân – thì phải làm từ trái qua phải.
Do vậy, dân chúng lúc đầu làm Dấu Thánh giá từ phải qua trái, nhưng sau lại bắt chước phép lành của linh mục, họ đã bắt đầu làm dấu từ trái qua phải. Thế là, từ nhiều thế kỷ qua, ở Tây phương vẫn cứ theo cách làm Dấu Thánh giá như thế, tức là từ trái qua phải với lòng bàn tay mở. Đó là lý do tồn tại cho đến nay truyền thống Đông phương làm dấu từ phải qua trái trong khi Tây phương lại làm từ trái qua phải. Theo thông điệp Mediator Dei của Đức Piô XII, chúng ta không xóa bỏ truyền thống nhưng cũng không quá hoài cổ, cách làm Dấu Thánh giá của Tây phương từ trái qua phải đã phát triển thành truyền thống phụng vụ.[8] Dấu Thánh giá rộng hơn như vừa được mô tả ở trên, khác với việc ghi hình Thánh giá, thực ra chưa bao giờ được sử dụng trong Nghi thức Nhập lễ cho tới Công đồng Vatican II. Trước đó, trong các Sách lễ từ 1474 cho đến 1962, nó được phối hợp với Phụng vụ Thánh Thể như một sự dẫn nhập vào lời nguyện tại chân Bàn thờ vốn được thực hiện một cách thầm lặng bởi linh mục và thầy giúp lễ trước khi Thánh lễ bắt đầu.[9] Suốt thời Trung cổ, linh mục đọc những lời nguyện khác nhau và những lời nguyện này được cố định trong Sách lễ 1570. Từ Sách lễ 1970, Thánh lễ bắt đầu với các thể thức như hiện nay.[10]
Dấu Thánh giá là dấu chỉ thánh thiện nhất trong các dấu chỉ. Dấu Thánh giá còn là dấu chỉ của vũ trụ và là dấu chỉ sự cứu độ nhân loại nhờ duy chỉ Thập giá vinh thắng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết để cứu chuộc muôn người (Rm 5,8). Ngài thánh hóa và cứu độ con người nhờ Thánh giá (Cv 4,12). Làm Dấu Thánh giá là một hình thức tuyên xưng đức tin trong Chúa Kitô.[11] Vì vậy, Dấu Thánh giá thánh hiến và thánh hóa các tín hữu trong sức mạnh của Chúa Kitô và trong danh Ba Ngôi Thiên Chúa. Dấu Thánh giá không chỉ hướng lòng các tín hữu lên Chúa Ba Ngôi, kêu cầu danh Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng còn nài xin ân sủng của Thiên Chúa do Thập giá Chúa Kitô đem lại và nhắc nhớ họ về nguồn mạch của công cuộc thánh hóa là hy tế của Đức Kitô, về Bí tích Thánh tẩy mà tất cả Kitô hữu đã được lãnh nhận nhân danh Ba Ngôi, nhờ đó, họ được gia nhập Giáo Hội, thành dân của Chúa, được sống một đời sống mới (x. Rm 6,3-4), được bước vào gia đình thân mật của Ba Ngôi Thiên Chúa và được tham dự vào chức tư tế của Chúa Giêsu. Do đó, họ cũng được quyền tế lễ với Chúa Kitô và tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi.[12]
Ngay lúc bắt đầu Thánh lễ, khi làm Dấu Thánh giá trên mình, các tín hữu được nhắc nhở rằng không phải họ đơn thuần đang ở trong một Nhà thờ riêng biệt và đang làm một hành vi thờ phượng hướng tới một vị Thiên Chúa xa xôi. Họ không phải đang ở bên ngoài Thiên Chúa, mà đúng hơn, nhờ Đức Giêsu Kitô, họ là “những kẻ đang ở bên trong” Người, tức là những tín hữu đã rửa tội, đang thông phần sự sống của Thiên Chúa, hay nói cách khác, là đang sống bên trong những tương quan nội tại của riêng Thiên Chúa, những tương quan hiệp thông yêu mến giữa Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Đức Giêsu, trong tư cách là linh mục thượng phẩm và chủ tế, Ngài đứng trước ngai ân sủng để chuyển cầu cho nhân loại. Nhờ nghi thức phụng vụ, các tín hữu được đưa vào bên trong vận hành tình yêu. Vận hành tình yêu này, trong Đức Kitô Giêsu, lưu chuyển xuống họ, rồi trong Thánh Thần, kéo họ lên với Chúa Cha, và như thế, mở mắt họ hướng sang anh chị em khác trong niềm thông hiệp đức tin. Các tín hữu tham dự Thánh lễ đang ở trong một ngôi nhà gọi là Nhà thờ, nhưng thực sự họ cũng đang ở trong một không gian thiêng thánh mà Chúa Thánh Thần đã mở ra cho họ. Trong cung trời thần khí của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là tình yêu (x. 1 Ga 4), họ được mời gọi khám phá nơi mỗi người thân cận, để nhận ra đó là một người anh chị em mà họ phải sống hiệp nhất với, bởi mỗi người đều là một người anh chị em mà vì từng người, Đức Giêsu Kitô đã phải chịu chết (x. 1Cr 8,11).[13]
B. Lời chào
Sách lễ của người Đức đã từng có đến 8 công thức chào hỏi. Hầu hết chúng được lấy từ phần kết lá thư của thánh Phaolô (2 Cr 13,13) hay từ phần đầu các thư của ngài (Rm 1,7; 1Cr 1,3; 2Cr 1,2; Gl 1,3; Ep 1,2) hoặc từ phần khác (Kh 1,4). Trong khi đó, Sách lễ Roma hiện nay dự liệu 3 công thức cho chủ tế chọn để chào cộng đoàn được trích từ nội dung Thánh Kinh:
1. Công thức thứ I: Chúa ở cùng anh chị em.
Nằm trong số những yếu tố cổ xưa nhất của Nghi thức Nhập lễ. Tại Roma, câu “Chúa ở cùng anh chị em” chính là lời dẫn nhập vào Lời nguyện Mở đầu Thánh lễ. Công thức truyền thống này ở Tây phương cũng như cả bên Ai Cập là một câu có xuất xứ từ nhiều đoạn Kinh Thánh:[14] 1] Trong sách Rút (2,4) khi ông Bôat chào những người thợ gặt của ông “Xin Đức Chúa ở cùng các anh”; 2] Trong sách Sử Biên Niên II (15,2), Azarias nói với Asa: “Dominus vobiscum” (Chúa ở cùng anh em; 3] Trong sách Thẩm Phán, Thiên Chúa cũng chào Gêđêon: “Dominus te cum” (Chúa ở cùng ông) (Tl 6,12); 4] Trong Tân Ước, chính thiên thần Gabriel cũng chào Đức Mẹ: “Kính chào bà đầy ơn phúc, Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Công thức “Ta sẽ ở với ngươi” ở trong sách Xuất hành (3,12; x. 18,19); sách Đệ nhị luật (Đn 20,1) cũng như sách Khải huyền (21,3) vừa là lời cầu chúc vừa là sự cam kết của Chúa hỗ trợ những kẻ thuộc về Ngài.
Công thức “Chúa ở cùng anh chị em” còn được nhắc lại một số lần khác trong suốt Thánh lễ: 1] Trước khi đọc Tin Mừng ; 2] Khi dẫn nhập vào Kinh Tiền tụng; 3] Trước lúc ban phép lành cuối Thánh lễ. Đọc công thức này, linh mục chủ tế “nhìn nhận rằng mình đang đứng trước một dân thánh, tập họp nhân danh Chúa Kitô và Chúa Kitô cũng hiện diện họ.”[15] Đây không phải là một công thức bình thường, nhưng diễn tả mầu nhiệm Chúa Giêsu là Emmanuel, “Thiên Chúa ở giữa chúng ta”. Mở đầu Tin Mừng theo thánh Matthêu, tác giả đã nhấn mạnh đến mầu nhiệm Chúa Kitô: “…Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta’.” Kết thúc Tin Mừng , thánh sử lại khẳng định mầu nhiệm này một lần nữa: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20). Hai lần xác quyết như vậy được coi như hai cây cột ở hai bên làm nên một nhịp cầu để cộng đoàn có thể bước đi trên đó từ lúc Chúa Giêsu giáng sinh cho đến cuộc phục sinh của Ngài. Cũng vậy, khi đưa mầu nhiệm Emmanuel vào lúc mở đầu và kết thúc Thánh lễ, phụng vụ muốn khẳng định rằng toàn bộ cử hành Thánh lễ được thiết lập trên nền tảng Emmanuel ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta’; và cộng đoàn, một khi đã được thay hình đổi dạng trong Nhiệm thể Chúa Kitô, đến lượt mình, cũng sẽ trở thành Emmanuel cho thế giới.[16]
2. Công thức II: Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em (x. 2Cr 13,3)
Đây là một công thức phụng vụ được sử dụng từ thời các Tông đồ. Nó không những rõ rệt nhắc tới sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng còn cho chúng ta biết công việc riêng của mỗi Ngôi. Lời chào chúc này nhắc nhở các tín hữu tham dự: cầu xin sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi; Thánh lễ được dâng lên để tôn vinh Chúa Cha, nhờ lễ tế của Chúa Con, trong sự hiệp thông với Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hóa lễ vật cũng như liên kết mọi người dâng lễ lại với nhau và với Chúa Giêsu làm của lễ thượng tiến Chúa Cha. Ở đây, thánh Phaolô cầu xin sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa, là nguồn của mọi sự hiệp nhất, trở thành nguồn hiệp nhất trong đời sống của Giáo Hội.[17]
3. Công thức thứ III: Nguyện xin Thiên Chúa, Cha chúng ta và Đức Giêsu Kitô ban cho anh chị em ân sủng và bình an
Một cách tổng quát, đây là công thức thánh Phaolô dùng nhiều lần trong khi mở đầu những thư của ngài (x. Rm 1,7; Gl 1,3; 1Cr 1,2; 2Cr 1,2; Ep 1,2; Cl 1,3; 1Tx 1,2; 2Tx 1,2). Lời chúc bình an cũng là một đặc tính trong cách chào chúc của Kinh Thánh còn được lưu giữ tới bây giờ, và đã được chính Chúa Giêsu Phục sinh sử dụng (x. Ga 20, 19). Tuy chỉ nhắc tới Chúa Cha và Chúa Kitô, nhưng theo thánh Phaolô, ân sủng nhiều lần được đồng hóa với Chúa Thánh Thần (Ep 1,3) và bình an cũng là hoa trái của Thánh Linh (Gl 5,22), cho nên công thức này cũng liên hệ đến Thiên Chúa Ba Ngôi.[18]
Nếu là Giám mục, chủ tế sẽ chào cộng đồng bằng câu: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” (Chúc anh chị em được bình an) – dân chúng đáp “và ở cùng cha” (Xin chúc Cha cũng được như vậy). Lời chào và câu thưa này càng hướng chúng ta về Chúa Giêsu hơn, vì đó chính là câu Ngài chào các Tông đồ khi sống lại và hiện ra với các ông (x. Ga 20,19; Lc 24,36). Câu “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” là một công thức được sử dụng bên Antiôkia và Constantinopoli trong khi bên Tây phương và Ai Cập lại dùng công thức “Chúa ở cùng anh chị em“.[19]
Như được ghi trong cuốn Truyền thống Tông đồ, cuộc đối thoại giữa chủ tế và dân chúng: “Chúa ở cùng…” – “Và ở cùng …” xuất hiện trong Kinh nguyện Thánh Thể hồi thế kỷ IV và cuối cùng được chấp nhận đưa vào phần khởi đầu Thánh lễ. Thánh Augustinô đã mô tả cuộc rước đi vào Nhà thờ nhân Thánh lễ diễn ra trong một buổi sáng Chúa nhật Phục sinh. Dịp đó, dân chúng náo loạn vì một thành viên cộng đoàn được chữa lành cách diệu kỳ. Khi ngài nói: “Xin chào anh chị em” thì cộng đoàn liền trở nên thinh lặng, rồi thừa tác viên bắt đầu đọc Sách Thánh.[20] Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng khi tiến vào Thánh đường, ngài nói với cộng đoàn: “Bình an cho anh chị em” và dân chúng đáp lại: “Và ở cùng thần khí của cha”.[21] Cuộc đối thoại tiếp tục xuất hiện trong Sách lễ 1474 như thành phần của những lời nguyện tại chân Bàn thờ, sau đó, linh mục sẽ hôn Bàn thờ. Sách lễ 1570 đưa vào cả hai hành động này.[22]
Lời chào đầu lễ mang thể thức đối thoại giữa chủ tế và cộng đoàn không phải là lời chào xã giao ngoài xã hội. Nó mang ý nghĩa sâu đậm hơn là tình cảm bạn hữu, thân quen, thân thuộc… giữa người này với người kia và những lời chúc hay ý muốn tốt lành dành cho nhau.[23] Đây là cuộc đối thoại giữa mục tử và đoàn chiên của ngài, giữa Chúa Kitô và dân tư tế của Ngài, giữa vị tư tế hành động nhân danh Chúa Kitô và Dân Thánh mà cùng với họ và cho họ mà vị tư tế hiến dâng hy lễ hằng sống và thánh hiện lên Chúa Cha.[24] Mặt khác, nhờ trung gian của thừa tác viên mà Thiên Chúa được ban cho họ.[25] Đây cũng lời loan báo và mong ước rằng mọi người sẽ thực sự cảm nghiệm được sự hiện diện và quyền năng của Chúa Kitô đang ở giữa cộng đoàn, nghĩa là ở giữa những người đã được Chúa Kitô quy tụ trong Hội Thánh. Vì vậy lời chào này không những nói lên mầu nhiệm Chúa Kitô đang hiện diện mà còn nói lên mầu nhiệm cộng đoàn Hội Thánh được quy tụ (QCSL 50). [26]
4. Lời Đáp: Và ở cùng cha
Câu đáp như trên của giáo dân là một kiểu nói quen thuộc trong những lời chúc tụng của Do Thái giáo, tuy đã được Kitô hóa. Đáp lại lời chào của ông Booz, những người thợ gặt nói với ông: “Benedicat tibi Dominus” (Đức Chúa chúc phúc cho ông). Câu này cũng có cùng ý nghĩa với câu Et cum spiritu tuo. Chúng ta tìm thấy những kiểu nói tương tự trong các thư của thánh Phaolô: Dominus (J.C.) cum spiritu tuo (2Tm 4,22; x.. Plm. 25; Gl 6,18; Pl 4,23) được nói với cộng đồng như một lời tiễn biệt.[27]
Từ thời cổ, câu đáp “và ở cùng thần khí cha” (Et cum spiritu tuo) đã được thêm vào và nó có ý nghĩa thiêng liêng hơn. Có lẽ câu “và ở cùng thần khí cha” không những được dịch sát theo nguyên bản La-tinh như các bản dịch Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Anh đã làm mà còn là lời đáp có ý nghĩa phong phú hơn hơn là câu “và ở cùng cha”.[28] Thật vậy, dịch “và ở cùng cha” là đi theo lập luận của Jungmann, ông cho rằng theo kiểu nói của người Sêmit, spiritus của ai thì cũng chính là người ấy để rồi coi “và ở cùng thần khí cha” cũng tương tự như “và ở cùng cha”.[29] Tuy nhiên, chính thánh Phaolô đã cẩn thận phân biệt giữa psyche (linh hồn) và pneuma (thần khí) trong 1Cr 15,45: “Như có lời đã chép: con người đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật [sinh khí sống động] (psyche), còn Ađam cuối cùng là thần khí (pneuma) ban sự sống.” Vì vậy, tác giả Magee đã kết luận rằng, theo nhân chủng học của thánh Phaolô cũng như những đoạn văn ý nghĩa của Cựu Ước, hạn từ spiritus không chỉ đơn thuần quy chiếu về một nhân vị mà còn quy chiếu đến một thành phần hay một quan năng cao cấp nơi nhân vị ấy mà chúng đến trực tiếp cho họ do ảnh hưởng bởi hành động của Thiên Chúa.[30] Thật ra, ngay từ thế kỷ V, Narsai đã giải thích trong bài giảng số 17 rằng lời đáp “và ở cùng thần khí (spiritus) cha” không phải nói đến linh hồn hay sinh khí của linh mục nhưng quy chiếu về Chúa Thánh Thần mà ngài đã lãnh nhận qua việc đặt tay của Đức Giám mục trong ngày chịu chức.[31] Đây là những cách giải thích về ý nghĩa của lời đáp “… cùng thần khí cha”:
1] Vị chủ tế được cầu chúc có cả hai sự hỗ trợ: từ ân huệ của Thần Khí và Thiên Chúa vì Thiên Chúa sẽ không ở với chủ tế nếu ngài không có ân sủng thiêng liêng mặc dầu vị chủ tế ở đây là thừa tác viên đã lãnh nhận Thánh Linh của Thiên Chúa vào trong tâm trí mình trong ngày chịu chức linh mục và nhờ đó ngài trở thành “người tôi tớ đặc biệt của Chúa Kitô và người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1Cr, 4,1)[32];
2] Như một sự đồng tâm nhất trí của cộng đoàn đối với công việc của tư tế (J.A. Jungmann ,sj);
3] Không chỉ có nghĩa là “và ở cùng cha nữa”, nhưng còn dụng ý rằng: linh mục chỉ có thể cử hành Thánh lễ nhờ sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, “Đấng liên kết với thần trí Ngài” (x. Rm 8,16);[33]
4] Theo thánh Gioan Kim Khẩu và nhiều tác giả khác, Spiritus chỉ Chúa Thánh Thần, và ám chỉ rằng vị chủ tế thi hành việc tế tự nhờ quyền lực của Chúa Thánh Thần.
C. Lời dẫn nhập vào Thánh lễ
Mục đích của phần dẫn nhập này:1] Giúp cộng đoàn trở nên nhiệm thể duy nhất của Chúa Kitô một cách trọn vẹn hơn, một cộng đoàn được quy tụ trong Chúa Thánh Thần và phụng thờ Thiên Chúa Cha; 2] Là một cơ hội thích hợp để hướng tâm trí người dự lễ về ý nghĩa cử hành, về tinh thần của mùa lễ, ngày lễ (dựa chủ yếu trên Kinh Nhập lễ hay Ca Nhập lễ), có thể nói đôi nét về vị thánh mừng kính hôm ấy nhưng không phải là thời gian để kể chi tiết về cuộc sống và cái chết của ngài; 3] Là lúc để định hướng việc cử hành và tạo cho bầu khí ngày lễ một sắc thái cá biệt; 4] Nhắc nhở về chủ đề của Phụng vụ Lời Chúa sẽ được nêu lên trong bài giảng nhưng không phải là thời gian để trình bày dài dòng ý tưởng của các Bài đọc Sách Thánh cũng như chú giải nó.[34]
Không chỉ linh mục, mà ngay cả phó tế hay một thừa tác viên khác cũng có thể nói lời dẫn nhập (x. OM 3; QCSL 31; 50; 124), nhưng luôn luôn phải thật ngắn gọn. Vì vậy, tốt nhất nên dọn sẵn lời dẫn nhập.
Người ta không tìm ra một chứng cứ nào về cách làm này trong thời Giáo Hội sơ khai.
Lm. Giuse Phạm Đình Ái,sss
(còn tiếp)
[1] De corona, 3:4, CCL 2:1043, trích lại trong Paul Turner, The Supper of the Lamb, 4.
[2] Emmilio Higglesden, “Signs and Symboles: A Reflection”, in Faith, vol. 117, no. 4, 1990.
[3] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 35; Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites, 24.
[4] James P. Moroney, The Mass Explained, 40.
[5] Trích lại trong John D. Laurance (ed), The Sacrment of the Eucharist, 102.
[6] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 10.
[7] Jungmann, sj, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 1, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 296-297.
[8] Cassian Folsom, osb, “Sacred Signs and Active Participation at Mass”, in Adoremus, vol. IV, no. 3: May/June 1998.
[9] John D. Laurance (ed), The Sacrment of the Eucharist, 102.
[10] Paul Turner, The Supper of the Lamb, 5.
[11] Xc. Romano Guardini, Sacred Signs, Trans. by Grace Branham, Pio Decimo Press, St. Louis, 1956, trong http://www.ewtn.com/library/LITURGY/SACRSIGN.TXT; Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Thánh lễ 2, 107.
[12] Xc. A. M. Roguet, “Table Ouverte – La Messe d’ aujourd’ hui” (Tìm hiểu Thánh lễ), 21; Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites, 24.
[13] ĐHTT 62.
[14] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 10.
[15] A. M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, 21.
[16] Lucien Deiss, The Mass, 18-19.
[17] James P. Moroney, The Mass Explained, 44.
[18] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Học Viện Đaminh, 2012), 139-140.
[19] Robert Cabié, “The Eucharist”, 2:50.
[20] City of God 22:8, CCL 48:826, trích lại trong Paul Turner, The Supper of the Lamb, 7.
[21] PG 57:385, trích lại trong Paul Turner, op. cit., loc. cit.
[22] Paul Turner, op. cit., loc. cit.
[23] Xc. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist – Essence, Form, Celebration, 114.
[24] James P. Moroney, The Mass Explained, 43.
[25] Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites, 26.
[26] Xc. Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 138.
[27] Anscar J. Chupungco, “The ICEL 2010 Translation” trong Foley, Edward (ed), A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal (Minnesota: The Liturgical Press, 2011), 137-138.
[28] And with your spirit (Anh); E con il tuo spirito (Ý); Et avec votre esprit (Pháp); Y con tu espíritu (Tây Ban Nha).
[29] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 139.
[30] Magee, “Liturgical Translation, 162, trích lại trong John D. Laurance (ed), The Sacrment of the Eucharist, 104.
[31] Narsai of Nisibis, Hom. 17, ed. R. H. Connolly, trích lại trong Paul Turner, The Supper of the Lamb, 7 và trong Robert Cabié, “The Eucharist”, 51.
[32] Xc. 1Tm 4,14; 2Tm 1,16; Johannes H. Emminghaus, The Eucharist – Essence, Form, Celebration, 115.
[33] A. M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, 21.
[34] Xc. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist – Essence, Form, Celebration, 116.