ĐỂ NHỚ ĐẾN THẦY – CÚI CHÀO – HÔN KÍNH – XÔNG HƯƠNG (BÀN THỜ)

Cúi Chào – Hôn Kính – Xông Hương

(Để Nhớ Đến Thầy tiếp theo)

5- CÚI CHÀO – HÔN KÍNH – XÔNG HƯƠNG (BÀN THỜ)

I. VĂN KIỆN

Khi tới cung thánh, vị tư tế, phó tế và các người giúp lễ cúi sâu chào Bàn thờ. Sau đó, để tỏ lòng tôn kính, vị tư tế và thầy phó tế hôn Bàn thờ; rồi vị tư tế tuỳ nghi xông hương Thánh giá và Bàn thờ (QCSL 49).

II. LỊCH SỬ

A. Cúi chào

Cử chỉ đầu tiên của chủ tế khi cử hành Thánh lễ là bày tỏ sự tôn kính Bàn thờ bằng cách cúi chào và hôn kính. Cuốn Ordo Romanus I (năm 700) cho biết, trong Thánh lễ Chặng viếng, khi tiến vào Thánh đường, Đức Giáo hoàng sẽ chào kính Sancta (phần Mình Thánh còn lại của Thánh lễ trước đó, được đặt vào trong một chén thánh trước phần Hiệp lễ) bằng cách cúi sâu, trong khi bái quỳ lại được dành cho Giáo hoàng theo nghi lễ triều đình bấy giờ. Vì vậy, từ nguyên thủy, cúi sâu không kém tôn trọng hơn bái quỳ như người ta hiểu ngày nay.[1]

Khoảng thế kỷ VII và VIII, đoàn rước tiến vào Thánh đường với Sách Tin Mừng được cung nghinh đi trước chủ tế. Do vậy, chủ tế cúi chào không chỉ Bàn thờ mà còn cả Sách Tin Mừng đặt trên đó nữa.[2] Cử chỉ cúi chào Bàn thờ là kính chào chính Chúa Kitô vì Bàn thờ đã được thánh hiến như một biểu tượng về sự hiện diện của Thiên Chúa, của Chúa Kitô.[3]

B. Hôn kính

Thời xa xưa, hôn được coi là dấu chỉ chào đón hay tiếp rước ai đó cho nên đã được sử dụng để tỏ lòng tôn trọng đền thờ, bàn thờ các thần linh cũng như tượng thần và được đưa vào trong phụng vụ theo cách thức của nghi lễ triều đình. Nếu tượng thần ở vị trí quá cao, người ta hôn vào bàn tay của mình rồi giơ tay cao lên hướng về tượng thần như trao ban nụ hôn đó. Người ta cũng hôn cả bàn ăn trong gia đình nữa. Tuy nhiên, những ngày đầu của Giáo Hội, không có bằng chứng nào để kết luận đã có việc hôn kính Bàn thờ.[4] Chỉ từ thế kỷ IV, cả bên Đông phương lẫn Tây phương, người ta mới thấy xuất hiện cử chỉ hôn Bàn thờ như một sự chào hỏi vì các tín hữu cho rằng Bàn thờ không chỉ là “trung tâm của cảm tạ” mà còn là “bàn ăn của Chúa” (mensa Domini) nơi “Bữa tối của Chúa” (1Cr 11,20) sẽ được cử hành.[5] Người ta đã mặc cho cái hôn đó nhiều ý nghĩa. Trước hết, vì Bàn thờ xây bằng đá,[6] tượng trưng cho Chúa Kitô là tảng đá góc tường và thiêng liêng của Hội Thánh đang ở giữa cộng đoàn tham dự (x. Mt 21,42; 1Pr 2,7-8; 1Cr 10,4),[7] ngoài Kinh Thánh ra, tư tưởng này ít là đã xuất hiện từ thời thánh Ambrôsiô (337) khi ngài cho rằng: “Bàn thờ của Chúa Kitô là gì, nếu không phải là chính Thân Mình Người? Bàn thờ tượng trưng thân Mình Chúa Kitô và Thân Mình Người được đặt trên Bàn thờ” (Các Bí tích 5,7;4,7),[8] vì thế hôn Bàn thờ là hôn kính Chúa Kitô.[9] Việc cung kính Bàn thờ thậm chí còn được thực hành bên ngoài buổi cử hành phụng vụ nữa. Chẳng hạn thánh Bênêđictô thành Aniane (747- 821), một đan viện phụ sống vào thời của hoàng đế Charlemagne, đã quy định thành luật rằng các đan sĩ trong đan viện của ngài tại Inde phải kính viếng Bàn thờ 3 lần mỗi ngày.[10]

Trong những thế kỷ đầu của thời Trung cổ, phong trào tôn kính các thánh Tử đạo trở nên rất thịnh hành đến độ mỗi Nhà thờ đều có mộ phần các vị Tử đạo, Bàn thờ nhiều khi được xây trên mộ của các ngài hay ít ra có xương thánh của các ngài đặt phía dưới Bàn thờ như một luật bắt buộc.[11] Do đó, hôn kính Bàn thờ cũng có nghĩa là kính chào vị thánh, nhất là vị thánh được mừng lễ hôm ấy nói riêng, và qua các ngài, kính chào và bày tỏ lòng tôn kính đối với Giáo Hội khải hoàn nói chung. Điều này giải thích tại sao Đức Innôcentê III lại nói:“Trong con người của vị Giám mục đang hôn Bàn thờ, người ta nhìn thấy Chúa Kitô đang chào hỏi vị hôn thê của mình”.[12] Cho đến thế kỷ XIII, Bàn thờ chỉ được hôn 3 lần trong Thánh lễ: lúc bắt đầu Thánh lễ – trong khi đọc Kinh nguyện Thánh Thể – và trước lúc giải tán. Sang thế kỷ XIV, cứ mỗi lần quay ra chào dân chúng thì chủ tế hôn lại Bàn thờ. Nghi thức này làm cho số lần hôn Bàn thờ tăng lên nhiều lần đến độ làm lu mờ lần hôn kính Bàn thờ đầu Thánh lễ và lúc kết thúc Thánh lễ.[13]

Ngày nay, phó tế và linh mục chỉ hôn hai lần: đầu lễ và kết lễ. Ý nghĩa của hành vi này là: 1] Chào kính Đức Kitô, có thể hiểu là một cử chỉ tôn thờ, tôn vinh Đức Kitô vì Ngài là ông chủ Ngôi Nhà của Chúa và cũng là người chủ của cộng đoàn đang quy tụ cũng như khi hôn lên đất của một quốc gia Đức Giáo hoàng muốn tỏ lòng kính trọng đất nước đó;[14] 2] Bày tỏ sự hiệp thông của cộng đoàn phụng vụ với Thiên Chúa, với Đức Kitô và với toàn thể Hội Thánh trên trời, được biểu tượng nơi hài cốt các Thánh vì Bàn thờ (altus) được coi là nơi nối kết giữa Thiên Chúa và trần gian.[15]

C. Xông hương

Bàn thờ còn được tôn kính bằng cách xông hương nữa (QCSL 49; 123; 277). Hương được sử dụng như dấu hiệu tôn kính Thiên Chúa, là một biểu tượng cho kinh nguyện của chúng ta dâng lên cho Ngài và nhắc nhớ chúng ta là dân thánh của Ngài (QCSL 276). Ý nghĩa của việc xông hương thời cổ xưa là: tượng trưng cho sự thờ phượng và cầu nguyện nồng nàn;[16] biểu tượng của lễ tế; đi kèm với những cuộc rước mang tính lễ hội; phương thế làm cho tinh sạch; và xua trừ tà thần ma quỷ.

Hương đã được sử dụng nơi các dân ngoại và trong truyền thống Thánh Kinh (x. Xh 30,1-10; 37,25-28; Lv 16,11-13; Lc 1,9; Kh 8,3-4). Người Hy Lạp đã đốt những củi thơm để tôn kính thần thánh. Còn trầm hương mà Bản Thánh Kinh Bảy Mươi gọi là libanos, libanotos và bản Vulgata gọi là Thus thực chất là một thứ nhựa thường được người Do Thái nhập từ xứ Ả Rập về và khi đốt lên nó sẽ tỏ ra một mùi thơm tho (Is 60,6; Gr 6,20). Do ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp, người La Mã cũng sử dụng hương khi dâng lễ vật, nhất là trong việc an táng. Tuy vậy, trong 3 thế kỷ đầu, hương không thuộc về phụng tự Kitô giáo.[17] Phải đợi một thời gian khá lâu, Giáo Hội bên Tây phương mới cho phép dùng hương trong phụng vụ, có lẽ vì Giáo Hội cho rằng đốt hương là một tập quán mê tín trong nghi thức ngoại giáo thời bấy giờ, là dấu hiệu của bội giáo, của sự quay mặt khỏi Đức Kitô và lạc xa đức tin chân chính. Vì vậy mà các giáo phụ như Justinô và Athenagoras tỏ rõ lập trường chống lại việc tiến dâng lễ vật có máu cũng như dâng hương; còn thánh Ciprianô đã mỉa mai những kẻ bỏ đạo là “turificati”: nghĩa là bọn đốt hương. Trái lại, Hội Thánh bên Đông phương vẫn sử dụng hương. Chẳng hạn tại Giêrusalem, vào cuối thế kỷ IV, trong khi cử hành nghi thức vọng lễ Chúa nhật tại mộ của Đức Giêsu, người ta đã đưa nhiều bình đựng hương thơm (lư hương) vào lúc sắp sửa công bố Tin Mừng Phục sinh; tại Syria, vào thế kỷ VI, Pseudo-Denys làm chứng là người ta đã xông hương trong phụng tự và hương thơm ngọt ngào tỏa lan khắp phòng.[18] Từ đó việc xông hương lan rộng sang các nơi khác. Tại Roma, sau thời kỳ bị bách hại (thế kỷ IV), tức sau thời hoàng đế Constantine (280-337), hương và lư hương ban đầu chỉ sử dụng trong cuộc rước lễ tang và trong nghi thức chôn táng theo tập quán cổ truyền được Hội Thánh chấp nhận. Sau này, trong phụng vụ của các thánh Giacôbê và Maccô, hương đã được sử dụng – như hình thức hiện nay của chúng – khởi nguồn từ thế kỷ V. Theo Ordo Romanus I (700), thầy phụ phó tế sẽ mang hương đi trước Đức Giám mục trong đoàn rước đầu lễ, theo sau là 7 thầy giúp lễ (acolytos) cầm đuốc, phỏng theo việc mang hương đi trước hoàng đế của nghi lễ triều đình Roma – Byzantine.[19]

Còn việc xông hương Bàn thờ chỉ được xác nhận vào thế kỷ XI và ý nghĩa nguyên thủy của nó cũng như ngày nay là: 1] Thanh tẩy và bảo vệ. Sách lễ của Amiens ghi lại: “Xin đoái nhận hương trầm đây làm nên mùi thơm dịu ngọt để tha thứ tội con và tội của dân Chúa”; 2] Dấu chỉ làm nên bầu khí cầu nguyện, hướng lòng con người về với Thiên Chúa và biểu tượng cho lời kinh của các tín hữu và lễ tế của Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa như hương thơm ngào ngạt (Ep 5,2).[20] Xông hương Bàn thờ là tôn kính Đức Kitô là đền thờ, thượng tế và hy lễ.[21] Các luật liên quan đến xông hương trở nên hoa mỹ phức tạp hơn trong Sách lễ 1570 theo sau Công đồng Trentô nhưng rồi được giảm nhẹ đi trong thời nay. Khi chuẩn bị cho nghi thức mới vào năm 1965, các cố vấn đã khuyên nên để linh mục không những xông hương Bàn thờ mà cả dân chúng trên đường ngài tiến vào cung thánh. Tuy nhiên, thực hành này đã không được triển khai.[22] Chủ tế đi quanh Bàn thờ để xông hương sẽ giúp dân thánh của Chúa quy tụ quanh Bàn thờ cảm nhận được rằng Bàn thờ thuộc về toàn thể Giáo Hội, thuộc về một cộng đoàn được sắp xếp và quy tụ theo phẩm trật đang ở chung quanh Đức Kitô, Ngài là Bàn thờ, là Tư Tế và là Hiến Lễ của họ.[23]

Lm. Giuse Phạm Đình Ái,sss

(còn tiếp)


[1] Ibid., 109.

[2] Robert Cabié, “The Eucharist”, trong A. G. Martimort, The Church at Prayer (Minnesota: The Liturgical Press, 1992), 2: 50.

[3] Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites, 22.

[4] Paul Turner, The Supper of the Lamb, 4.

[5] Xc. Lucien Deiss, The Mass, 17.

[6] Dù hiện nay không buộc bàn thờ làm bằng đá, nhưng ít là mặt bàn thờ nên làm bằng đá.

[7] Dom Robert Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites (Chambray: C.L.D, 1992), 21.

[8] GLCG 1383.

[9] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 7.

[10] Edmund Bishop, Liturgy Historica (Oxford: Clarendon Press, 1918). Trích lại trong Edward Foley, “The Structure of the Mass, Its Elements and Its Parts”, 139.

[11] Xc. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist – Essence, Form, Celebration, 110. Ngày nay, luật buộc này không còn nữa.

[12] PL 217, 807. Trích lại trong Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 33.

[13] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 7.

[14] Johannes H. Emminghaus, The Eucharist – Essence, Form, Celebration, 108; Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites (Chambray: C.L.D, 1992), 22.

[15] Xc. Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites, 20-21.

[16] Theo ý nghĩa này, xông hương Thánh Thể khi chầu hay sau khi truyền phép là việc thờ phượng trực tiếp. Còn khi xông hương Bàn thờ, Thánh giá, Sách Phúc Âm (tượng trưng cho Chúa Kitô) có ý nghĩa là thờ phượng gián tiếp qua các vật biểu thị Chúa. Xông hương thi hài tín hữu quá cố để kính Chúa Thánh Thần ngự trong họ vì họ là Đền thờ của Ngài

[17] Ibid., 23.

[18] PG 3:428. Trích lại trong Paul Turner, The Supper of the Lamb, 4.

[19] OR I, 8 (PL 78, 941). Trích lại trong Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 34.

[20] Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites, 21.

[21] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 7.

[22] Paul Turner, The Supper of the Lamb, 4.

[23] Dominic E. Serra, “Theology of the Latin Text and Rite”, 127.