ĐỂ NHỞ ĐẾN THẦY – CUỘC RƯỚC NHẬP LỄ

Cuộc Rước Nhập Lễ
(Để Nhớ Đến Thầy tiếp theo)

3- CUỘC RƯỚC NHẬP LỄ

 

A. VĂN KIỆN

Khi dân chúng đã tập họp, và đang khi vị tư tế và các người giúp lễ tiến vào, thì bắt đầu hát Ca Nhập lễ… (QCSL 47).

B. LỊCH SỬ

Giáo Hội thời sơ khai và thời bị bách hại, vì cử hành Nghi lễ Bẻ bánh diễn ra tại các nhà tư nên chắc chắn không có cuộc Rước Nhập lễ. Chỉ từ khi ra đời những Nhà thờ rộng lớn (basilica) ở thế kỷ thứ IV với các lối đi cân đối dẫn vào Vương cung Thánh đường mới nảy sinh cuộc Rước Nhập lễ, nhất là cuộc Rước Nhập lễ không thể thiếu trong phụng vụ Thánh lễ Chặng viếng. Vì thế, có thể nói Rước Nhập lễ trong nghi thức Roma bắt nguồn từ phụng vụ Chặng viếng.[1] Trước hết các tín hữu thuộc các Nhà thờ địa phương khác nhau sẽ quy tụ xung quanh vị Giám mục của họ vào những ngày lễ trọng thể, nhất là trong mùa Chay. Trong những dịp như thế, người ta thấy các nơi như Constantinopoli, Giêrusalem, Hippo và Arles biến thành nơi thánh với đoàn rước của các tín hữu đi cùng với Giám mục của họ đầy tràn khắp các đường phố. Họ vừa đi vừa hát Thánh vịnh, dân chúng lặp lại câu Đáp ca sau mỗi triệt Thánh vịnh.[2]

Tại Roma cũng vậy, khi Đức Giáo hoàng – vị Giám mục của Roma – cử hành Thánh lễ Chặng viếng, người ta thường đi rước từ các Nhà thờ khác nhau trong giáo hạt đến Nhà thờ được chỉ định cử hành, hoặc tổ chức rước từ cổng Nhà thờ cho đến Bàn thờ. Từ đó, thực hành này lan ra khắp nơi. Bấy giờ, tại Nhà thờ lớn ở Roma, thường phòng áo tọa lạc tại gần lối dẫn vào, cho nên Đức Giáo hoàng, có lẽ từ sau năm 701, sẽ cùng với đoàn thừa tác viên mặc lễ phục ở đó và tiến vào Nhà thờ trong một cuộc rước long trọng từ cửa Nhà thờ đến Bàn thờ. Một thừa tác viên trang trọng cầm một cuốn sách có chứa bản văn Tin Mừng đi trước các thừa tác viên khác. Còn ngoài thành Roma, vì có ít thừa tác viên, nên cuộc rước thường đơn giản hơn.[3]

Có hai lý do khiến cho cuộc Rước Nhập lễ ngày càng khác xa với cuộc Rước Nhập lễ nguyên thủy trong Thánh lễ Giáo hoàng hay Giám mục ngày xưa, tức là chúng trở nên đơn giản và mất dần, thường lộ trình cuộc rước chỉ còn từ phòng thánh tới cung thánh.[4] Thứ nhất, khi Thánh lễ dần dần liên kết với cử hành Phụng vụ các Giờ kinh mà các giáo sĩ tề tựu để đọc; Thứ hai, vào thời Trung cổ, khi phòng thánh [chứa các lễ phục trong đó (phòng áo)] thay đổi vị trí từ chỗ ở cuối Thánh đường sang gần phía đầu cung thánh. Điều này xảy ra trước hết tại các Nhà thờ chính tòa và các Nhà thờ trong đan viện, sau đó, Nhà thờ tại các giáo xứ bắt chước theo.[5]

Ngày nay, Rước Nhập lễ đã được phục hồi. Thứ tự của đoàn Rước Nhập lễ được giải thích trong QCSL 120 và 172:

Khi giáo dân đã tập hợp, vị tư tế và các thừa tác viên mặc phẩm phục tiến tới Bàn thờ theo thứ tự sau đây: a] Người mang bình hương có đốt hương sẵn, nếu có xông hương; b]Các thừa tác viên cầm nến và thầy giúp lễ hay một thừa tác viên khác cầm Thánh giá đi giữa họ; c] Các thầy giúp lễ và các thừa tác viên khác; d] Thầy đọc sách, thầy này có thể mang sách Tin Mừng , chứ không phải sách Bài đọc, nâng cao lên một chút; e] Vị chủ tế, nếu có xông hương, linh mục sẽ bỏ hương trước khi đi rước, chúc lành bằng Dấu Thánh giá, mà không nói chi hết (QCSL 120).

Hai tay nâng sách Tin Mừng , thầy phó tế đi trước vị tư tế mà tiến đến Bàn thờ; nếu không có cầm sách thì thầy đi bên cạnh chủ tế (QCSL 172).

Sách Tin Mừng sau khi rước sẽ được đặt trên Bàn thờ. Việc tôn vinh Sách Tin Mừng ít nhất đã có từ thế kỷ V như trong Công đồng Êphêsô mà thánh Cyrilô thành Alexandria (444) đã đề cập. [6]

Khi Sách Tin Mừng ở trên Bàn thờ, nó diễn tả sự hợp nhất của hai biểu tượng hàng đầu của Chúa Kitô.[7]

C. Ý NGHĨA

Cuộc Rước Nhập lễ báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Cuộc rước này, dù nhiều hay ít người, dù đơn giản hay trọng thể, vẫn nhắc nhở các tín hữu về chiều kích lữ hành của cuộc sống. Đó là biểu tượng cho việc họ đang cùng nhau bước trên một hành trình thánh như: 1] Hành trình của dân Itraen tiến đi trong sa mạc ‘trên đôi cánh chim bằng’ dưới sự hướng dẫn của Môsê, Giôsuê và những người khác để tìm về đất hứa (x. Ex 19,4); và rồi trong hành trình này, Thiên Chúa đã ban man-na làm lương thực nuôi dưỡng họ; 2] Hành trình bước theo Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài đi lên Giêrusalem; hơn nữa còn vượt qua thế giới này để đi đến với Đấng mà Người gọi là ‘Áp-ba’ (Abba), Cha ơi! (ĐHTT 60).

Điểm hội tụ cao nhất của cuộc Rước Nhập lễ, như vẫn được duy trì qua các thời kỳ lịch sử, chính là chào đón Đức Kitô mà vị chủ tế như vị đại diện của Người. Bởi vậy, theo tác giả Louis Marie Chauvet, “Chức năng phụng vụ đầu tiên của vị tư tế là diễn tả cả hai sự nối kết mang tính Bí tích: nối kết với Đức Kitô (một cách ẩn dụ), Ngài là chủ tế Thánh lễ; và nối kết với toàn thể Giáo Hội (một cách hoán dụ) vì ‘hành động phụng vụ không phải là những hành vi cá nhân nhưng là cử hành của Hội Thánh’.” (PV 26).[8]

Khi vị chủ tế từ bên ngoài đi vào giữa những người đang quy tụ để cử hành phụng vụ, bấy giờ cộng đồng trong Đức Kitô sẽ được thiết lập một cách đầy đủ như một dấu chỉ thay thế cho một Giáo Hội rộng lớn hơn và cho toàn thể nhân loại. Biểu tượng phụng vụ này của cộng đồng sẽ được hoàn tất vào lúc giải tán cuối Thánh lễ khi những anh chị em tham dự Thánh lễ được sai đi len lỏi vào trong thế giới để tiếp tục thi hành sứ mệnh tông đồ của Hội Thánh là quy tụ tất cả mọi người trở thành một Thân Mình Đức Kitô (Dt 13,12-14).[9]

Nếu như Thánh lễ là cử hành những biến cố cứu độ trong mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô thì cuộc Rước Nhập lễ cũng gợi lại hình ảnh dân chúng Do Thái ở Giêrusalem, tay cầm nhành lá thiên tuế và miệng tung hô ca hát, để chào đón Chúa Giêsu trên con đường Ngài tiến vào đền thờ chỉ ít ngày trước khi chịu chết (x. Mc 11: 1-10; Mt 21: 1-11;; Lc 19: 28 -38; Ga 12, 12-16). Mặc dầu biến cố này được cử hành một cách tỏ tường và đặc biệt mỗi năm trong cuộc rước kiệu Chúa nhật Lễ lá, nhưng nó điển hình cho mọi cuộc Rước Nhập lễ của mọi Chúa nhật khác trong năm hay vào những dịp lễ long trọng. Vì vậy, khi chủ tế tiến vào Thánh đường trong cuộc Rước Nhập lễ, các tín hữu đã quy tụ đứng lên và cùng nhau ca hát. Họ ý thức rằng Đức Kitô đã làm cho họ trở nên một dân tư tế thánh thiện, thành một dân, một Nhiệm thể Chúa Kitô;[10] đồng thời họ cũng ý thức rằng những gì đã xảy ra trong biến cố cứu độ của Đức Giêsu cách đây hơn 2000 năm, nhờ đó mang lại sự giải thoát và sự sống tối hậu cho toàn thế giới, cũng đang xảy ra một lần nữa nơi đây trong mỗi người, mỗi đối tượng và mỗi hành vi phụng vụ.[11]

                                                                           Lm. Giuse Phạm Đình Ái,sss

(còn tiếp)


[1] John D. Laurance (ed), The Sacrment of the Eucharist (Minnesota: The Liturgical Press, 2012), 94.

[2] Keith F. Pecklers, sj., Liturgy – The Illustrated History (New Jersey: Paulist Press, 2012), 76.

[3] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC: FDLC, NE, 2003), 3.

[4] Ibid., loc, cit.

[5] Xc. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist – Essence, Form, Celebration, 105.

[6] PG 76: 471-472.

[7] Paul Turner, The Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 3.

[8] Trích lại trong in John D. Laurance (ed), The Sacrment of the Eucharist (Collegeville, Minnesota : The Liturgical Press, 2012), 94.

[9] John D. Laurance (ed), The Sacrment of the Eucharist, 94.

[10] Xc. James P. Moroney, The Mass Explained, 38.

[11] John D. Laurance (ed), The Sacrment of the Eucharist, 94-95.