Dẫn nhập: Cấu Trúc Thánh Lễ Hiện Nay
ĐỂ NHỚ ĐẾN THẦY
DẪN NHẬP
CẤU TRÚC THÁNH LỄ HIỆN NAY
Tính từ Công đồng Trentô cho tới nay, kể như chúng ta có hai cuốn Sách lễ Roma chủ yếu: đó là Sách lễ Roma của Đức Piô V ra đời năm 1570 (thường gọi là Sách lễ 1570) và Sách lễ Roma của Đức Phaolô VI ra đời năm 1970 (ấn bản mẫu thứ I). Thật ra, cuốn Sách lễ của Đức Piô V đã được thích nghi nhiều lần bởi các vị Giáo hoàng sau: 1] Đức Clêmentê VIII (1604): cho sửa lại những chỗ in sai và hiệu đính lại những phần dịch Kinh Thánh trong Sách lễ được coi là chưa chuẩn xác; 2] Đức Urbanô VIII (1634): hiệu đính một số bài Thánh ca trong Sách lễ; 3] Đức Clêmentê XIII (1693 – 1769): bổ sung lời Tiền tụng về Chúa Ba Ngôi cho các Thánh Lễ Chúa nhật; 4] Đức Lêô XIII (1810-1820): bắt buộc sử dụng các Lời nguyện sau Thánh lễ nhằm kết thúc Thánh Lễ; 5] Đức Piô X (1910): có những thay đổi trong vấn đề Hiệp lễ; 6] Đức Piô XII: năm 1951, ngài cho phục hồi những Lễ nghi cổ đêm thứ Bảy Tuần thánh; năm 1955, phục hồi toàn bộ Lễ nghi Tuần thánh và Bộ Lễ nghi ra sắc lệnh đơn giản hóa chữ đỏ; 7] Đức Gioan XXIII (1960); ban hành bộ chữ đỏ mới cho Thánh Lễ. Còn Sách lễ của Đức Phaolô VI tiếp tục có ấn bản mẫu thứ II vào năm 1975 và ấn bản mẫu thứ III vào năm 2002.
I. CẤU TRÚC THÁNH LỄ THEO ĐỨC PIÔ V
1] Chuẩn bị
* Lời cầu nguyện dưới chân Bàn thờ
– Dấu Thánh giá
– Thánh vịnh 42
– Cáo mình (đối đáp / thầm)
– Lời cầu xin (đối đáp / thầm)
– Lời nguyện Thanh tẩy (thầm) – bước lên Bàn thờ
– Hôn Bàn thờ (giữ, chỗ xương thánh)
– Lời cầu trên xương thánh (thầm)
2] Phần I – Trước Hiến Lễ
– Xông hương (lễ trọng)
– Ca Nhập lễ (phải)
– Kinh Thương Xót (giữa)
– Kinh Vinh Danh (giữa)
– Lời Tổng Nguyện (phải)
– Thánh thư (phải)
– Đáp ca và Halleluia (phải)
– Lời nguyện Thanh tẩy (giữa/ thầm)
– Tin Mừng (trái)
– Hôn Tin Mừng (thầm)
– Kinh Tin kính (giữa)
3] Phần II – Hiến Lễ
i] Chuẩn bị hiến lễ
– Ca Tiến lễ + Chuẩn bị Lễ vật
– Lời nguyện trên bánh (giữa)
– Pha rượu với nước (thầm / phải)
– Lời nguyện trên chén (giữa)
– Lời nguyện thầm (cúi mình sâu)
– Lời cầu Chúa Thánh Thần
– Xông hương (thầm)
– Rửa tay (Tv 25 – thầm / phải)
– Lời nguyện Ba Ngôi (giữa)
– Mời gọi
– Lời nguyện Tiến lễ (giữa)
ii] Lễ quy
– Lời Tiền tụng
– Lễ quy cố định (Kinh Tạ Ơn I)
iii] Hiệp lễ
– Mời gọi
– Kinh Lạy Cha
– Lời chuyển cầu Đức Mẹ và các thánh
– Bẻ bánh (thầm) + chúc bình an
– Kinh Chiên Thiên Chúa
– Lời cầu bình an (bỏ khi Dâng lễ cầu hồn)
– Hai Lời nguyện thầm – cúi sâu
– Lời nguyện thầm + linh mục đấm ngực + rước Mình Thánh
– Lời nguyện thầm + linh mục rước Máu Thánh
– Kinh cáo mình (giáo dân)
– Mời gọi
– Giáo dân rước lễ
– Tráng chén
– Ca Hiệp lễ (phải)
– Lời nguyện Hiệp lễ (phải)
4] Kết thúc Thánh Lễ
– Chào + giải tán (giữa)
– Lời cầu Ba Ngôi
– Hôn Bàn thờ + Phép lành
– Tin Mừng cuối lễ (Ga 1,1-14)
– Lời nguyện sau lễ (bỏ, nếu sau đó có một cử hành phụng vụ khác)
II. CẤU TRÚC THÁNH LỄ ĐỨC PHAOLÔ VI
Để thực hiện những cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II, trước khi kết thúc Công đồng (tháng 12 năm 1965), đầu năm 1964, Đức Phaolô VI đã thiết lập một Ủy ban gồm 50 Hồng y và Giám mục. Ủy ban này có nhiệm vụ giám sát công việc của các nhóm chuyên viên phụng vụ khắp nơi trên thế giới. Nhờ vậy, vào thứ Năm Tuần Thánh (ngày 3 tháng 4 năm 1969), Đức Thánh cha Phaolô VI đã có thể công bố Tông hiến Missale Romanum; Ngoài ra, ngài còn cho công bố Nghi thức Thánh Lễ (06/04/1969); Thứ tự các Bài đọc Kinh Thánh (25/05/1969) và Sách Bài đọc (30/09/1970); toàn văn Sách lễ Rôma (26/03/1970). Đến năm 1975, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích công bố ấn bản mẫu thứ II của Sách lễ Rôma.
Năm 2001, Đức Gioan Phaolô II đã ban hành tài liệu Liturgiam Authenticam trong đó chứa đựng những chỉ dẫn mới về việc chuyển dịch các bản văn dùng trong phụng vụ từ tiếng Latinh sang các ngôn ngữ khác, thay vì theo phương pháp tương đương năng động như trước thì dịch theo lối tương đương hình thức nhiều hơn. Gần đây nhất, ấn bản mẫu thứ III của Sách lễ Rôma mới ra đời năm 2002 mà nhẽ ra đã phải được xuất bản từ đầu năm 2000. So với ấn bản mẫu thứ II, bản mới lần này không có gì khác biệt lớn mà chỉ là bổ sung đôi chút vài điều trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma và trong hướng dẫn chữ đỏ, còn những phần cơ bản của Nghi thức Thánh lễ vẫn như trước. Tức là, Thánh lễ gồm hai phần chính: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. Cả hai liên kết với nhau chặt chẽ để làm nên một việc thờ phượng duy nhất. Trước khi đi vào nghi lễ chính thức, có phần mở đầu gọi là Nghi thức Nhập lễ và sau nghi lễ còn có phần kết thúc gọi là Nghi thức Kết thúc. Theo thứ tự, Nghi thức Thánh lễ diễn tiến như sau:
1] Nghi thức Đầu lễ:
+ Ca Nhập lễ
+ Dấu Thánh giá
+ Lời chào chúc
+ Lời dẫn lễ
+ Việc sám hối
+ Kinh “Xin thương xót chúng con” (Kyrie)
+ Kinh Vinh danh (Gloria)
+ Lời nguyện Nhập lễ.
2] Phụng vụ Lời Chúa
+ Các Bài đọc Sách Thánh và những Bài xen kẽ.
– Bài đọc I
– Thánh vịnh Đáp ca
– Bài đọc II (trong lễ Chúa nhật và lễ trọng)
– Ca tiếp liên (trong một số lễ)
– Tung hô Tin Mừng “Halleluia”
– Bài Phúc Âm
+ Bài giảng
+ Kinh Tin kính
+ Lời nguyện Tín hữu (Lời nguyện Chung)
3] Phụng vụ Thánh Thể
+ Chuẩn bị Lễ vật
– Dâng bánh rượu
– Rửa tay
– Kêu mời cầu nguyện
– Lời nguyện Tiến lễ
+ Kinh Tạ Ơn
– Lời Tiền tụng
– Kinh Thánh, Thánh, Thánh
– Kinh Khấn xin Chúa Thánh Thần (Epiclesis)
– Tường thuật thiết lập Bí tích Thánh Thể
– Tung hô tưởng niệm
– Kinh Tưởng nhớ (Anamnesis)
– Kinh Cầu cho kẻ sống và kẻ chết
– Vinh tụng ca kết thúc
+ Nghi thức Hiệp lễ
– Kinh Lạy Cha
– Kinh Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei)
– Rước lễ
– Tráng chén
– Lời nguyện Hiệp lễ
4] Nghi thức kết thúc
+ Phép lành cuối lễ
+ Giải tán.
Lm. Giuse Phạm Đình Ái,sss
(Còn tiếp)