ĐỂ NHỚ ĐẾN THẦY – NGHI THỨC ĐẦU LỄ

Nghi Thức Đầu Lễ

(Để Nhớ Đến Thầy tiếp theo)

NGHI THỨC ĐẦU LỄ

1- NGHI THỨC ĐẦU LỄ

     Trước thế kỷ IV, theo dấu tích khảo cổ và theo thánh Justinô (thế kỷ II) trong cuốn Hộ giáo (số 67), Thánh lễ không có Nghi thức Mở đầu. Ngay cả phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh trước năm 1955 như là một bằng chứng còn sót lại, Thánh lễ Roma cũng chỉ bắt đầu với những Bài đọc.[1] Trong khoảng thế kỷ IV –VIII, chung chung Thánh lễ được mở đầu với buổi canh thức cầu nguyện gồm nhiều lời kinh khác nhau, gồm cả việc đọc các bài Thánh vịnh; sau đó, Đức Giám mục sẽ đọc Lời nguyện Kết thúc. Tuy nhiên, Nghi thức Đầu lễ được cử hành mỗi nơi mỗi khác. Trong các đan viện Tây phương, thứ tự của phần đầu lễ là: Đọc Thánh vịnh; Các thừa tác viên rời cộng đồng để mặc lễ phục; Cuộc Rước Nhập lễ với Sách Tin Mừng và đi kèm cuộc rước là hát Thánh ca. Tại Giáo Hội địa phương của thánh Augustinô (thế kỷ V), phần mở đầu Thánh lễ được mô tả như sau: Những người đã hiện diện cùng nhau hát Thánh vịnh trong lúc chờ đợi; Khi đã đông đủ, Đức Giám mục sẽ tiến vào Nhà thờ; Ngài chào dân chúng; Và rồi Sách Thánh được công bố. Nghi thức Mở đầu Thánh lễ rõ rệt nhất có thể tìm thấy trong phụng vụ Chặng viếng vào thế kỷ V.

    Phần mở đầu Thánh lễ hiện nay bao gồm: Rước Nhập lễ và Ca Nhập lễ; Chào chúc; Hành vi Thống hối; Lời Tổng nguyện. Xét trên phương diện các yếu tố phụng vụ, Nghi thức Đầu lễ bao gồm: Quy tụ; Cuộc rước; Bài ca quy tụ; Dấu Thánh giá và Chào chúc; Nghi thức làm phép và rảy nước thánh; Nghi thức Thống hối hay Kyrie; Kinh Vinh danh; Lời Tổng nguyện.

    Mục đích của Nghi thức Đầu lễ là quy tụ cộng đoàn và hình thành cộng đoàn nên một dân của Chúa Kitô, được hiệp thông với nhau cũng như chuẩn bị lòng trí các tín hữu lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận Thánh Thể cho xứng đáng.[2]

2- QUY TỤ

A. LỊCH SỬ

     Thánh lễ bắt đầu lúc các tín hữu quyết định đến với nhau để cử hành tình yêu của Thiên Chúa. Chính xác hơn phải nói rằng họ đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu khi Người mời gọi các Tông đồ ngày xưa và các tín hữu thuộc mọi thời đại đến tham dự bằng những lời trong Bữa tiệc Cuối cùng: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.[3] Họ đến với nhau từ những phương trời hay nơi chốn khác nhau, từ những hoạt động và hoàn cảnh khác nhau, với tuổi tác, quá trình đào tạo và sở thích khác nhau… Tuy nhiên, họ lại đến với nhau không phải như những cá thể biệt lập và xa lạ hay những như người quan sát câm lặng, chỉ có mặt để “xem lễ”,[4] mà là cuộc quy tụ thành:

1] Một cộng đoàn phụng tự với tư cách là con cái Thiên Chúa, là dân thánh, là dân riêng của Chúa (x. 1Pr 2,9-10), là những anh chị em tín hữu trong gia đình của Thiên Chúa, là những người được cứu chuộc đến đây để cảm nếm trước Bàn tiệc Cánh chung.[5] Chính vì vậy, thánh Phaolô nhấn mạnh: “Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28);[6]

2] Một cộng đoàn đức tin bởi vì các tín hữu tin tưởng rằng Thiên Chúa đã và đang hành động trong lịch sử nhân loại, cách đặc biệt hơn, Ngài vẫn can dự vào lịch sử chính cuộc đời mỗi người. Đây là một cuộc tụ họp do Chúa Kitô và nhân danh Đức Kitô, Đấng luôn luôn đi trước dẫn đầu Giáo Hội, Đấng vô hình nhưng thực sự làm chủ tế trong Thánh lễ, chính Người tập hợp dân tư tế của Người (x. 1 Pr 2,9). Người là Chú Rể mà đoàn dân, tức Giáo Hội, là cô dâu của Người. Người mời gọi các tín hữu một lần nữa vào dự ‘bữa tiệc tưởng nhớ’ trong đó biến cố cứu độ đã chỉ diễn ra một lần thay cho tất cả, nay thực sự được hiện tại hóa với đầy đủ hiệu lực (ĐHTT 58). Trong ‘bữa tiệc tưởng nhớ’ trọng đại này, các tín hữu nhớ về Đức Kitô đã chịu thương khó, chịu chết và đã phục sinh khiến họ gắn bó hiệp nhất với nhau và cùng được chia sẻ chiến thắng của thủ lãnh là Giôsuê mới, Đấng hướng dẫn họ trên hành trình về đất hứa mới, nơi họ được hiệp thông với Đức Kitô và với nhau (ĐHTT 58). Chính vì vậy, một trong những tên gọi cổ xưa nhất dành cho Thánh lễ là synaxis, nghĩa là một buổi đến với nhau, một cuộc cùng nhau sum họp (ĐHTT 59).

       Viết về việc tham dự vào Bữa tối của Chúa, thánh Phaolô sử dụng một cụm từ ‘khi anh em hội họp…’ [1 Cr 11,18, 20 ; cf 14,26]) tương ứng với từ trong tiếng Hy Lạp dùng để chỉ về Giáo Hội (ekklēsia) và từ Do Thái để chỉ về đại hội (qahal) của Dân Thiên Chúa (ĐHTT 58).

        Từ thời Cựu Ước, dân Chúa đã khao khát nguyện xin được vào cư ngụ (quy tụ) trong nhà Chúa hay trên núi thánh của Chúa (Tv 15,1-2). Trong thời Tân Ước, Chúa Giêsu dạy dân chúng quy tụ lại mà cầu nguyện (Mt 18,20). Thế rồi, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, những người theo Chúa cũng tề tựu ở một nơi nhân ngày lễ Ngũ tuần; chính tại đây, họ đã được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần (Cv 2,1).

       Đầu thế kỷ II, sách Didache khuyên các tín hữu “hãy quy tụ lại với nhau vào ngày của Chúa để bẻ bánh và dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa, anh em hãy xưng thú tội lỗi của mình hầu hy lễ của anh em được trở nên tinh tuyền…”.[7] Cũng trong thế kỷ này, thánh Justinô mô tả “vào ngày, gọi là ngày mặt trời (Chúa nhật), tất cả những người ở thành thị cũng như ở thôn quê đều họp lại một nơi…đó là ngày Thiên Chúa biến đổi bóng tối thành ánh sáng…và là ngày Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta sống lại từ cõi chết.” [8]

       Giống như thời Giáo Hội sơ khai, trong Ngày của Chúa hay Chúa nhật, các tín hữu họp nhau lại trong Thánh đường để lắng nghe Lời Chúa và tham dự Hy lễ Tạ ơn, để kính nhớ cuộc thương khó, sự sống lại và vinh quang của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã “dùng sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô từ trong kẻ chết sống lại mà tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động” (1P 1,3).[9] Họ sẵn sàng hiện diện ở đây để đảm nhận những vai trò khác nhau trong buổi cử hành (GLCG 1118). Lời ca tiếng hát của họ trong Thánh lễ gồm bởi nhiều chất giọng hòa thành một chất giọng duy nhất, nói lên rằng họ là dân của Người, dân đang một lòng một ý tôn vinh Thiên Chúa (ĐHTT 58).

                                                                 Lm. Giuse Phạm Đình Ái, sss

(còn tiếp)


[1] Xc. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist – Essence, Form, Celebration (Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 104.

[2] QCSL 46; Xc. James P. Moroney, The Mass Explained (New Jersey : Catholic Book Publishing Corp., 2008), 37.

[3] Xc. Ibid., loc. cit.

[4] PV 48; Ep 2,19-22..

[5] Dominic E. Serra, “Theology of the Latin Text and Rite”, in A Commentary On The Order Of Mass Of The Roman Missal (Minnesota: The Liturgical Press, 2011), 126.

[6] QCSL 24; .

[7] Didache 14, Trích lại trong in Sring-time of the Liturgy, Lucien Deiss (ed) (Minnesota: The Liturgial Press, 1979), 93-94.

[8] Justin Martyr, First Apology, 67. Trích lại trong in Sring-time of the Liturgy, Lucien Deiss, ed., loc. cit.

[9] PV 106.