NÊU TÊN ĐỨC GIÁM QUẢN TÔNG TÒA TRONG KINH NGUYỆN THÁNH THỂ

NÊU TÊN ĐỨC GIÁM QUẢN TÔNG TÒA

TRONG KINH NGUYỆN THÁNH THỂ

                                                                                                        Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

 

Câu hỏi: Khi nêu tên vị Giám quản Giáo phận/ Giám quản Tông tòa trong Kinh Nguyện Thánh Thể thì đọc như thế nào, có phải kèm thêm chức vụ “Giám quản” hay không?

              Trả lời:

         Khi Giáo phận trống tòa (sede vacante) do Đức Giám mục chính tòa đương chức qua đời, từ nhiệm hay chuyển đến một toà khác, Giáo phận sẽ được điều hành bởi một linh mục hay Giám mục với vai trò làm Giám quản Giáo phận/ Giám quản Tông tòa (Bộ Giáo Luật [= GL], số 416).

         Nếu vị này là một linh mục Giám quản Giáo phận thì không nêu tên ngài trong Kinh Nguyện Thánh Thể. Rất hiếm hoi và trong lý thuyết nhiều hơn là thực tế, Tòa Thánh có thể bổ nhiệm một linh mục làm Giám quản Tông tòa, nhưng trong trường hợp thứ hai này, cũng không nêu tên ngài trong Kinh Nguyện Thánh Thể dẫu rằng trong cả hai trường hợp vị linh mục này có hầu hết các quyền hành và nghĩa vụ của một Giám mục giáo phận (x. GL 427).[1] Lý do là vì danh hiệu Giám quản (mà một linh mục cũng có thể được bầu chọn/ cắt đặt để đảm đương) không phải là danh hiệu phụng vụ và không thuộc về phạm trù nguyên lý hiệp thông như thánh chức Giám mục [cùng với Bí tích Thánh Thể] (x. GL 413, 419, 421#1; Lumen Gentium 20-21.[2]  Với thánh chức Giám mục mà vị Giám mục lãnh nhận trong ngày chịu chức Giám mục, ngài lãnh nhận sự sung mãn của Bí tích Truyền chức (primatus sacerdotii), trở nên người kế vị các Tông đồ để chăn dắt Hội Thánh Chúa cũng như thuộc về phạm trù nguyên lý hiệp thông của Hội Thánh địa phương [bên cạnh bí tích Thánh Thể] trong vai trò Giám mục. Tác giả Susan K. Wood nhắc lại rằng, theo Công đồng Vatican II, hai điều cần thiết cho một Giáo Hội đặc thù là Thánh Thể và Giám mục. Một Giáo Hội đặc thù cốt yếu là một cộng đoàn bàn thờ (thờ phượng, altar) quanh vị Giám mục của mình như tiêu điểm sự hợp nhất và nhằm làm sáng tỏ hơn mầu nhiệm Hội Thánh là bí tích hiệp nhất (x. Sacrosanctum concilium, 26; Lumen Gentium, 20-23; Quy chế Tổng quát sách lễ Rôma [=QCSL], 149, 92).[3]

          Nếu một vị Giám mục được bầu làm Giám quản Giáo phận, hay thông thường hơn, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa, tên của ngài phải được nêu trong Kinh Nguyện Thánh Thể như thường cho đến khi một Đức Giám mục khác được bổ nhiệm về cai quản địa phận (= làm Giám mục chính tòa) qua nghi lễ tựu chức theo đòi hỏi của Bộ Giáo Luật số 382.[4] Lý do tên ngài được nêu đích danh trong Kinh Nguyện Thánh Thể là vì ngài là Giám mục được chọn/ bổ nhiệm làm Giám quản Giáo phận/  Giám quản Tông tòa với quyền theo luật tương đương như ĐGM giáo phận (x. Sacrosanctum concilium, 26; QCSL, 149, 92)[5] và thiết lập nên hành động mang tính thần học về sự hiệp thông trong Hội Thánh.[6] 

         Tuy nhiên, [i] vì những lý do thần học liên quan đến chức Giám mục trong cử hành Thánh Thể, thêm nữa, [ii] vì đây là lời nguyện mà vị tư tế đang dâng lên Chúa Cha chứ không phải nghi thức xã hội, và [iii] vì sự đơn giản cần thiết của cử hành phụng vụ, các tư tế không cần nhớ và không cần đọc các danh hiệu/ tước vị khác biệt nếu có của Đức Giám mục Giám quản như Tổng Giám mục, Hồng y Tổng Giám mục hay Giám quản Tông toà bởi lẽ những danh hiệu/ tước vị này vốn không được áp dụng vào trong Kinh Nguyện Thánh Thể. Điều này có nghĩa là các tư tế không nên đọc trong Kinh Nguyện Thánh Thể những lời như thế này: “Đức Tổng Giám mục T., Giám quản Tông toà giáo phận chúng con…”/ Đức Hồng y Tổng Giám mục T., Giám quản Tông toà giáo phận chúng con…”/ “Đức Giám mục T., Giám quản Tông toà giáo phận chúng con…”/ Đức Giám quản Tông toà T. chúng con”… Ở một mức độ nào đó, vị Giám mục Giám quản cũng tương tự như Đức Giám mục giáo phận, cho nên công thức trong Kinh Nguyện Thánh Thể không cần thay đổi, mà đơn giản vẫn đọc như trong bản văn của Sách Lễ Rôma:Đức Giám mục T. chúng con…[7]

Áp dụng:

  • Hiện nay, khi cử hành Thánh lễ tại giáo phận Hà Tĩnh, các tư tế sẽ đọc: “Lạy Chúa, xin nhớ đến Hội Thánh Chúa lan rộng khắp hoàn cầu, để kiện toàn Hội Thánh trong đức mến, cùng với Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, Ðức Giám mục Luy chúng con và toàn thể hàng giáo sĩ” (Kinh Nguyện Thánh Thể II); “Lạy Chúa, chúng con nguyện xin của lễ hoà giải này đem lại bình an và ơn cứu độ cho tất cả thế giới. Xin thương ban cho Hội Thánh Chúa trên đường lữ thứ trần gian được vững mạnh trong đức tin và đức mến cùng với tôi tớ Chúa là Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, Ðức Giám mục Luy chúng con, cùng toàn thể hàng Giám mục, giáo sĩ khắp nơi, và tất cả dân riêng Chúa” (Kinh Nguyện Thánh Thể III) (cũng đọc tương tự như vậy khi sử dụng các Kinh Nguyện Thánh Thể khác).
  • Hiện nay, khi cử hành Thánh lễ tại giáo phận Hưng Hóa, các tư tế sẽ đọc: “Lạy Chúa, xin nhớ đến Hội Thánh Chúa lan rộng khắp hoàn cầu, để kiện toàn Hội Thánh trong đức mến, cùng với Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, Ðức Giám mục Phêrô chúng con và toàn thể hàng giáo sĩ” (Kinh Nguyện Thánh Thể II); “Lạy Chúa, chúng con nguyện xin của lễ hoà giải này đem lại bình an và ơn cứu độ cho tất cả thế giới. Xin thương ban cho Hội Thánh Chúa trên đường lữ thứ trần gian được vững mạnh trong đức tin và đức mến cùng với tôi tớ Chúa là Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, Ðức Giám mục Phêrô chúng con, cùng toàn thể hàng Giám mục, giáo sĩ khắp nơi, và tất cả dân riêng Chúa” (Kinh Nguyện Thánh Thể III) (cũng đọc tương tự như vậy khi sử dụng các Kinh Nguyện Thánh Thể khác).
  • Hiện nay, khi cử hành Thánh lễ tại giáo phận Hải Phòng/ Phát Diệm, các tư tế sẽ đọc: “Lạy Chúa, xin nhớ đến Hội Thánh Chúa lan rộng khắp hoàn cầu, để kiện toàn Hội Thánh trong đức mến, cùng với Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, Ðức Giám mục Giuse chúng con và toàn thể hàng giáo sĩ” (Kinh Nguyện Thánh Thể II); “Lạy Chúa, chúng con nguyện xin của lễ hoà giải này đem lại bình an và ơn cứu độ cho tất cả thế giới. Xin thương ban cho Hội Thánh Chúa trên đường lữ thứ trần gian được vững mạnh trong đức tin và đức mến cùng với tôi tớ Chúa là Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, Ðức Giám mục Giuse chúng con, cùng toàn thể hàng Giám mục, giáo sĩ khắp nơi, và tất cả dân riêng Chúa” (Kinh Nguyện Thánh Thể III) (cũng đọc tương tự như vậy khi sử dụng các Kinh Nguyện Thánh Thể khác).

[1] Xc. Edward McNamara, “Mentioning a Bishop-Elect or Apostolic Administrator” < https://saintcharles.co.za/liturgy-qa-mentioning-a-bishop-elect-or-apostolic-administrator-zenit/>;

[2] Xc. Bộ Giáo lý Đức tin, “Giáo hội như là hiệp thông” (28/05/1992), số 14; Edward McNamara, “Coadjutors in the Eucharistic Prayer” trong Zenit.org/ The Zenit Daily Dispatch (20 NOV. 2018); “Which Ordinary to Mention at Mass” (27 SEPT. 2011).

[3] Xc. Bộ Giáo lý Đức tin, “Giáo hội như là hiệp thông”, số 14; Susan K. Wood, “The Church as Communion” trong Peter C. Phan (ed.), The Gift of the Chuch (Collegeville, Minnesota: A Pueblo / The Liturgical Press, 2000), 159-176; Martin Connell & Sharon McMillan, “The Different Forms of Celebrating Mass”, trong A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, ed. Edward Foley (Collegeville, Minnesota: A Pueblo/ The Liturgical Press, 2007), 250.

[4] Xc. Sách Lễ Nghi Giám Mục, số 1147; Bộ Phụng tự Thánh, Sắc lệnh Cum de nomine (09/10/1972): Acta Apostolicæ Sedis 64 [1972], 692-694; Edward McNamara, “Coadjutors in the Eucharistic Prayer” (20 NOV. 2018).

[5] Xc. Bộ Phụng tự Thánh, Sắc lệnh Cum de nomine (09/10/1972): Acta Apostolicæ Sedis 64 [1972], 692-694; Edward McNamara, “Mentioning a Bishop-Elect or Apostolic Administrator” < https://saintcharles.co.za/liturgy-qa-mentioning-a-bishop-elect-or-apostolic-administrator-zenit/>; Bộ Giáo lý Đức tin, “Giáo hội như là hiệp thông”, số 14; Susan K. Wood, “The Church as Communion”, trong Peter C. Phan (ed.), The Gift of the Chuch (Minnesota: A Pueblo, The Liturgical Press, 2000), 159-176.

[6] Ibid.

[7] Xc. USCCB, Committee on Divine Worship, “The Naming of the Pope and the Bishop in the Eucharistic Prayer” trong Newsletter, Vol. XLIX (Mar. 2013).